Bác Hồ nói về sự nghiệp khoa học-kỹ thuật 

(Chinhphu.vn) - Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phải ra sức đem hiểu biết của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt.

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nước nhà cách đây đúng 55 năm tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (ngày 18/5/1963).

Lời dạy của Bác nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của khoa học kỹ thuật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, để dân giàu, nước mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu.

Trong thời đại khoa học phát triển vũ bão như hiện nay, lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên tính thời sự.

Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ nói chung, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ và thống nhất chọn ngày 18/5 hằng năm là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018, Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963. 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963.

"Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào mừng Đại hội.

Nhân dịp này, Bác phát biểu vài ý kiến như sau:

Trước hết, chúng ta hãy nhắc lại Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, phần nói về khoa học, kỹ thuật. Nghị quyết nói: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng. Ra sức đào tạo cán bộ khoa học và xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học cần thiết, kết hợp với việc phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh. Mở rộng sự hợp tác với các nước anh em trong việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật”.

Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều.

Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người và thiên nhiên, ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Như vậy, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Mấy năm nay, Ban Vận động Trung ương Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật hoạt động góp phần đẩy mạnh sản xuất, do đó đã được quần chúng tin cậy. Như thế là rất tốt.

Chúng ta đều biết rằng: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải tài sản riêng của một nhóm người nào. Bởi vậy các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú.

Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu được và làm được. Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay là không, kết quả tốt hay là xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm.

Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi.

Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang.

Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Cán bộ ta cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý bàu ấy. Việc này, các cô, các chú làm được còn ít, cần phải làm tốt hơn nữa. Cán bộ ta lại phải học tập những đức tính cần cù, giản dị và thiết thực của công nhân, nông dân để trau dồi thêm tư tưởng và tác phong của mình.

Các hội viên là công nhân, nông dân phải nêu cao vai trò xung phong gương mẫu trong việc học tập và áp dụng khoa học, kỹ thuật. Những kinh  nghiệm và sáng kiến của mình có thì phải phổ biến cho người khác cùng áp dụng; đồng thời phải bền bỉ, cố gắng học tập khoa học và kỹ thuật.

Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật có nhiệm vụ rất lớn trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội cần được củng cố và phát triển tốt xuống tận các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các cơ sở khác.

Trước mắt, Hội phải phục vụ tốt ba cuộc vận động sau đây:

1/ Cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”.

2/ Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

3/ Cuộc vận động "đồng bào miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi".

Phải kết hợp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong ba cuộc vận động đó.

Muốn cho công tác phổ biến khoa học, kỹ thuật thành phong trào mạnh mẽ, Hội phải dựa vào lực lượng to lớn của các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, công đoàn…, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn và các tổ chức khoa học khác. Hội phải giúp đỡ các ngành, các đoàn thể hoàn thành thắng lợi kế hoạch của Nhà nước.

Hội còn có nhiệm vụ dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học, kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học.

Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đặt nhiều hy vọng vào Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật và mong Đại hội này có những quyết định thiết thực. Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm trọn nhiệm vụ, cố gắng rèn luyện mình thành những chiến sĩ xuất sắc trong công việc phổ biến khoa học, kỹ thuật. Như thế là các cô, các chú góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà"./.

826 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 962
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 962
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87130822