|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP |
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận) về thực trạng trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng tình với thực trạng sử dụng lãng phí sách giáo khoa. Nguyên nhân có nhiều, song theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước hết là do việc thiết kế sách giáo khoa hiện hành còn có các dạng bài tập khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần.
"Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhưng trong điều kiện nước ta thì chưa thực sự phù hợp, gây ra sự lãng phí", Bộ trưởng Nhạ nói.
"Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế sự lãng phí. Trong một số sách giáo khoa
đã có nội dung hướng dẫn giáo viên và học sinh ghi kết quả làm bài vào vở ghi. Bộ cũng đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách theo hướng tiết kiệm, lâu bền", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, ban hành Chỉ thị 3798 chỉ đạo các Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản sách giáo khoa và hướng dẫn học sinh hạn chế viết vào sách giáo khoa trong quá trình thực hiện các hoạt động học.
Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa đúng cách để rèn luyện ý thức giữ gìn, tiết kiệm cho học sinh.
"Tới đây khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế các dạng bài tập trong sách giáo khoa theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, quyên góp xây dựng "Thư viện sách giáo khoa" để học sinh có thể sử dụng miễn phí hoặc hỗ trợ học sinh các vùng khó khăn", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói trước Quốc hội.
Về giải pháp cho Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu 3 nhóm giải pháp lớn.
Giái pháp thứ nhất, phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao về chất lượng. Theo đó xây dựng bài thi chuẩn hóa theo hướng bám sát năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT và phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng có thể tham khảo để xét tuyển theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29. Đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài, hết sức quan trọng và quốc tế đã làm.
Nhóm giải pháp thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật phần mềm quản lý thi, đặc biệt là phần mềm chấm thi để đảm bảo không thể lợi dụng được. "Đây là giải pháp về công nghệ và chúng tôi đang triển khai làm", Bộ trưởng nói.
Nhóm giải pháp thứ ba, siết chặt các khâu tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là công tác coi thi và chấm thi, đảm bảo minh bạch, công khai.
"Với 3 nhóm giải pháp này, chúng tôi đảm bảo Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 và hoàn thiện qua từng năm. Hướng tới một kỳ thi trung thực khách quan, chất lượng, giảm áp lực cho xã hội, tạo công bằng cho thí sinh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Nhật Nam