1. Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tống, người cảm tử quân năm xưa nằm sát mép biển, thuộc đội 3, thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Năm nay ông Tống 85 tuổi, hàng ngày ông mang những huân, huy chương chiến công ra nâng niu, ngắm nghía để nhớ lại thời oanh liệt của mình cùng đồng đội chèo thuyền tiếp tế vũ khí, lương thực cho bộ đội trên đảo Cồn Cỏ.
|
Ông Nguyễn Văn Tống nhớ lại thời cảm tử oanh liệt của mình qua từng huân chương, huy chương |
Ông Tống cho biết, Cồn Cỏ chỉ nằm cách bờ 30km, nhưng để vượt qua khoảng cách ấy đến với Cồn Cỏ thân yêu, nhiều người đã đi mà không trở về, máu của họ đã đổ xuống đỏ thắm hoà vào nghìn trùng đại dương.
Ngày đó ông Tống là dân quân du kích xã Vĩnh Thạch. Nhiệm vụ của ông là cùng một số ngư dân trong vùng đợi ban đêm đến chèo thuyền chở vũ khí, lương thực ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Mỗi chuyến đi xuất phát ở ven biển Vịnh Mốc từ 7 giờ đêm nay chèo thuyền bằng tay đến 2 giờ sáng mai thuyền cập đảo, đưa vũ khí, lương thực lên bờ rồi ông cùng đồng đội ở lại đợi đến tối ngày lại chèo thuyền trở về đất liền Vịnh Mốc.
Ông Tống bồi hồi nhớ lại tình thế lúc đó rất khó khăn, mỗi chuyến vận chuyển vũ khí ra đảo đều bí mật song máy bay Mỹ lúc nào cũng oanh tạc ngay trên mũi thuyền, nhiều người hy sinh. Thế mà bà con ngư dân vẫn hiên ngang ra đảo để bảo vệ đảo như bảo vệ ngôi nhà thân yêu của mình.
Từ tháng 5/1965 cho đến năm 1968, không ai nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến thuyền chở người và vũ khí, lương thực ra đảo để bảo vệ một phần đất Việt giữa trùng khơi, mà mỗi lần đi như vậy, các ngư dân cảm tử quân đều được tổ chức truy điệu sống ngay bên bờ biển. Nước mắt của những người vợ, người mẹ lại âm thầm chảy trong những lần đưa tiễn. Những cảm tử quân sau mỗi chuyến ra đảo không còn lại được bao nhiêu người.
Bình thường mỗi đoàn tiếp tế hàng ra đảo có 5 đến 7 chiếc thuyền, mỗi thuyền có 5 đến 6 người với đầy đủ vũ khí chiến đấu. Từ năm 1965 đến 1968, ông Tống có gần 30 chuyến tiếp tế hàng hóa ra đảo Cồn Cỏ. Trong đó ông nhớ nhất là chuyến ra đảo vào tháng 6/1968. Thuyền vừa đi được nửa đường thì bị tàu của quân đội Mỹ phát hiện, bắn pháo sáng bao vây, kêu gọi đầu hàng. Anh em trên thuyền của ông kiên quyết dùng súng B40 bắn trả, tiếp tục hành trình. Bất ngờ pháo từ hạm đội của Mỹ tới tấp dội xuống, thuyền của ông trúng đạn, 4/6 người hy sinh, ông bị thương nặng may mắn được người còn lại trên thuyền dìu vào đảo Cồn Cỏ.
Sau trận đánh anh dũng trên biển hôm đó ông cùng đồng đội được tặng thưởng và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Bác Hồ đã ba lần viết thư khen ngợi nhân dân Vĩnh Linh và tặng ảnh chân dung cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Cồn Cỏ, một hòn đảo nhỏ hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND luôn xứng đáng là điểm tiền tiêu của Tổ quốc.
2. Anh Nguyễn Quang Thánh là người con út của cảm tử quân Nguyễn Văn Tống, được sinh vào năm 1974. Anh Thánh rất tự hào khi cha ông mình đã hy sinh xương máu để giữ đảo Cồn Cỏ nên tuổi trẻ của thế hệ anh cần có trách nhiệm góp sức xây dựng đảo ngày càng phát triển hơn. Vì thế vào năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương tuyển thanh niên ra đảo Cồn Cỏ lập nghiệp, xây dựng đảo, anh liền xung phong đi đầu tiên. Lúc ấy anh đã có gia đình và một người con trai. Vậy là chị Hồ Thị Duyên, vợ anh Thánh cũng xung phong cùng chồng con ra đảo.
|
Ông Tống và gia đình con trai Nguyễn Quang Thánh |
Gia đình anh Thánh là gia đình đầu tiên tình nguyện ra lập nghiệp ở đảo Cồn Cỏ. Ngày mới ra đảo, anh Thánh công tác ở Ban chỉ huy tổng đội Thanh niên xung phong. Tại hòn đảo nổi tiếng này, vào năm 2010, anh chị sinh ra đứa con trai thứ hai, đặt tên là Nguyễn Quang Dũng. Sự có mặt của gia đình anh Thánh càng làm cho hòn đảo này thêm mạnh mẽ, kiên trung.
Bây giờ, anh Thánh giữ chức vụ Phó Ban xây dựng Đảng của Huyện ủy đảo Cồn Cỏ. Không biết tự bao giờ đảo Cồn Cỏ đã trở thành nơi gửi gắm thiêng liêng nhất cho những cư dân trên biển và những người ở đất liền. Đảo nhỏ nhưng sự kỳ vọng của quê hương và người dân trên đảo thì không nhỏ chút nào. Anh Thánh phác họa chân dung của đảo rồi cho biết các nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Quảng Trị đều khẳng định phát triển kinh tế biển đảo, hướng vùng biển Cửa Việt - Cửa Tùng - huyện đảo Cồn Cỏ thành khu du lịch biển hiện đại, tạo tiền đề để biến khu vực này thành khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.
Làm cán bộ đảo nên mỗi tháng anh Thánh có 3 tuần ở lại trên đảo, chỉ về nhà với bố được một tuần. Đứa con trai anh chị sinh ra trên đảo năm nay lên lớp hai nên anh phải cho cháu vào đất liền đi học. Ông Tống, bố anh Thánh hàng tháng cứ đợi con trai về để cha con cùng nhau kể chuyện về đảo, câu chuyện hòa bình trên đảo Cồn Cỏ hôm nay. Từ khi thành lập huyện đảo Cồn Cỏ đến giờ là hơn mười năm và đảo hiện có 19 hộ gia đình sinh sống phát triển kinh tế với nghề dịch vụ và khai thác thủy sản là chủ yếu.
3. Anh Thánh cho biết Cồn Cỏ còn được đánh giá là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung với hệ sinh thái phong phú, giàu tiềm năng. Đảo Cồn Cỏ có hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú với 109 loài san hô, 48 loài rong, tảo biển với giá trị kinh tế cao; có 267 loài cá thuộc 69 họ phân tầng thích nghi điều kiện sinh thái, trong đó có nhóm cá san hô sống tập đoàn màu sắc sặc sỡ vừa có giá trị kinh tế, vừa mang ý nghĩa trong hoạt động du lịch, nghiên cứu và thám hiểm. Đáy biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất trong các đáy biển san hô màu đỏ. Đảo có 83ha rừng rậm, cây lá xanh như sung, mù u, nhiều loài gỗ quý hiếm, đặc biệt cây bàng quả vuông trên đảo. Cồn Cỏ có bãi tắm đẹp, nhiều eo vịnh bãi đá để du khách thả mình với thiên nhiên ngắm nhìn biển cả.
Cuối năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và trước đó là Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ, đây là cơ hội lớn để đưa khách du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Sau một thời gian thử nghiệm, bằng sự nỗ lực của chính quyền và sự phối hợp của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tour du lịch biển đảo Cồn Cỏ ở Quảng Trị chính thức đi vào hoạt động đã và đang mở ra cơ hội phát triển mới cho huyện đảo...
|
Cột cờ cao cao gần 40m trên đảo Cồn Cỏ vừa được khánh thành |
Còn với gia đình anh Thánh thì ước mơ gìn giữ đảo luôn cháy rực trong mỗi con người, như là máu thịt của họ. Ngoài ông Tống, vợ chồng anh Thánh và đứa con trai thứ hai của anh chị sinh ra tại đảo thì đứa con trai đầu của anh Thánh năm nay thi vào Học viện Hải quân. Anh Thánh mơ ước rằng sau khi cháu học xong ra trường sẽ trở về Quảng Trị công tác, nối nghiệp ông, cha ngày đêm lái tàu tuần tra, bảo vệ vùng biển đảo quê hương.
Ông Trương Khắc Trưởng - Phó Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ nhận xét người dân huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị từ xưa nay có nhiều đóng góp rất lớn cho đảo Cồn Cỏ, song cha con ông Tống và anh Thánh là một đại gia đình đặc biệt nhất ở huyện đảo này.
Huyện đảo Cồn Cỏ thành lập từ năm 2004. Tổng số tiền đầu tư cho Cồn Cỏ thời gian qua gần đến 1.200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm cho đảo này mang dáng dấp của một đô thị. Kể từ ngày 8/8/1959, một đơn vị của Trung đoàn 270, Quân khu 4 vượt sóng gió đến với Cồn Cỏ, giương cao lá cờ Tổ quốc với tinh thần “thà hi sinh tất cả chứ không để mất đảo” cho đến nay hòn đảo tiền tiêu này luôn là một biểu tượng bất khuất của người dân Quảng Trị. |
LÂM QUANG HUY