Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017) đã có một số chia sẻ với báo chí trước thềm hội nghị.
Định hình lại định hướng hợp tác phát triển
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức khai mạc tại TP. Đà Nẵng. Với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hơn 10.000 đại biểu trong nước, quốc tế (riêng các hội nghị của doanh nghiệp sẽ có 3.000 đại biểu tham dự) cùng hàng ngàn phóng viên của các hãng thông tấn báo chí, đây là sự kiện đối ngoại lớn nhất trong nhiều năm qua, một sự kiện lịch sử trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Các hoạt động của doanh nghiệp luôn chiếm vị trí quan trọng và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 tại Đà Nẵng lần này sẽ trở thành sự kiện lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam từ trước tới nay với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ là nơi Việt Nam thể hiện vị thế mới với việc chủ động tham gia xây dựng chính sách, mô hình tăng trưởng, tham gia kiến tạo, định hình lại kinh tế thế giới và khu vực, cũng là cơ hội để tiếp thị tổng thể và tổng lực nền kinh tế Việt Nam.
Những biến đổi mạnh mẽ gần đây của tình hình thế giới đã tạo nên bối cảnh rất đặc biệt của Tuần lễ Cấp cao APEC lần này. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo khu vực trung tâm của khởi nghiệp và cái nôi của toàn cầu hoá sẽ trở thành nơi gặp gỡ của “những người khổng lồ”
Theo IMF, dù kinh tế toàn cầu và khu vực APEC vẫn có xu hướng tăng trưởng nhưng trong dài hạn sẽ vẫn thấp hơn các thập kỷ trước đây, do cản trở bởi năng suất thấp và bất bình đẳng tăng lên khi rất nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau, như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay phụ nữ…
Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, TP. Đà Nẵng cũng là nơi mà cả thế giới sẽ hướng về để trông đợi thông điệp từ hàng loạt các nhà lãnh đạo vừa được bầu. Như thông báo của Nhà Trắng, trong bài phát biểu quan trọng với cộng đồng kinh doanh tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu ra tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở. Thế giới cũng trông đợi sẽ được nghe tại đây những thông điệp mới của các nhà lãnh đạo vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cả những nhà lãnh đạo lần đầu đắc cử như tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…
Hàng loạt vấn đề toàn cầu nóng bỏng cùng nhiều đề xuất, sáng kiến lớn sẽ được thảo luận trong chương trình chính thức và bên lề Tuần lễ cấp cao lần này, như việc hiện thực hóa các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; tương lai của TPP; tầm nhìn sau 2020 của APEC; sáng kiến “vành đai-con đường” của Trung Quốc…
Nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Diễn ra trong một thời điểm vừa hệ trọng vừa thú vị, Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung. APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển. Từ góc nhìn của văn hóa phương Đông, có thể coi đây là một sự hợp duyên.
Việt Nam là một điển hình thành công trong đổi mới và hội nhập, những biến động mới trên toàn cầu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam theo cả hai chiều hướng là tạo cơ hội và mang tới thách thức. Một ví dụ đã được nhắc đến nhiều là với quá trình robot hóa và với sự đảo chiều của thương mại, đầu tư toàn cầu khi các dây chuyền sản xuất dịch chuyển trở lại các nước phát triển, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam nữa.
Với bối cảnh như trên, những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017 - và đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế - không chỉ phù hợp với nhu cầu của APEC, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu nội tại và đều là những vấn đề mang tính “sống còn” của Việt Nam, là trọng tâm chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng xoay quanh 4 chủ đề này.
Hội nhập và giá trị gia tăng của Việt Nam
Thế giới đã nói rất nhiều, nói từ rất lâu về phát triển bền vững, nhưng với sự bùng nổ của cách mạng 4.0, của kinh tế sáng tạo, lần đầu tiên cơ hội được trao cho tất cả mọi người một cách bình đẳng, bất kể người ấy ở đâu và làm gì.
Với Việt Nam, trên nền tảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, từng người nông dân có thể tiếp cận trực tiếp, cung cấp nông sản cho từng người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật… Ví dụ, một người thợ may ở Hội An có thể nhận đơn hàng và gửi chiếc áo dài cho một khách hàng tại châu Âu.
Với những sản phẩm kể cả thủ công nhưng tinh tế, khác biệt, được làm ra một cách đầy trách nhiệm, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam cộng với những nền tảng chuẩn mực về chữ tín, chất lượng, quản trị… thì các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không chỉ có thể tồn tại được, mà còn có lợi thế để vươn lên, giành lấy những thị trường ngách đang ngày càng được chia nhỏ, thậm chí là thị trường cho nhu cầu của từng cá nhân
Nhìn rộng ra toàn cầu, khác hẳn với trước đây khi cuộc chơi chỉ do một số đế chế kinh doanh khổng lồ, các doanh nghiệp lớn làm chủ, ngày nay, hàng chục triệu, hàng trăm triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không chịu đứng bên lề mà sẽ trở thành những chủ thể của kinh tế toàn cầu. Những “giọt nước” nhỏ nhưng với số lượng khổng lồ sẽ trở thành một đại dương ẩn chứa tiềm năng sáng tạo vô tận và trở thành động lực chính của sự phát triển toàn cầu.
Các Chính phủ cần tạo nền tảng, môi trường cho các doanh nghiệp này kết nối với nhau và kết nối với thị trường, đây cũng là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy, khuyến khích sự sáng tạo.
Nhìn lại câu chuyện của Việt Nam, nếu chúng ta bắt đầu đổi mới bằng những nỗ lực tự cải cách, sau đó được tiếp sức bằng những cam kết hội nhập mạnh mẽ, thì bây giờ đã tới lúc chúng ta phải vươn tới những chuẩn mực cao của thế giới. Và trên thực tế, Việt Nam đã đĩnh đạc tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
APEC lần này sẽ là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam. Tất nhiên, đúng như chủ đề của APEC, quá trình này cần sự chung tay của tất cả, nhưng nước chủ nhà có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung. Việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC lần này sẽ khẳng định một thông điệp quan trọng là chúng ta có thể tư duy cùng một đẳng cấp với toàn cầu. Cho tới thời điểm này, các đề xuất của cộng đồng kinh doanh APEC vẫn cơ bản nằm trong khung định hướng mà nước chủ nhà Việt Nam đưa ra.
Chủ nghĩa bảo hộ cũng là một lựa chọn, là quyền của các quốc gia khi xử lý các vấn đề của mình. Vấn đề là, những thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC lần này có thuyết phục được rằng các quốc gia và mọi cá nhân đều có thể cùng thắng trong hội nhập, trong toàn cầu hóa. Ví dụ như triển vọng về một hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với đó, theo những thông tin mới nhất, đã có những tín hiệu rất tích cực cho thấy 11 nước thành viên TPP còn lại đã thu hẹp khác biệt, mở ra triển vọng đột phá về tương lai TPP trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
“Nhìn tổng thể tất cả các vấn đề trên, Việt Nam như một điểm giao hòa của các xu hướng và có khả năng kết nối các nền kinh tế hàng đầu và chúng ta kỳ vọng Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới sẽ trở thành một cuộc đối thoại Đông-Tây trên nền tảng tôn trọng các ý kiến khác nhau, từ đó các nền kinh tế có thể tìm ra tiếng nói chung", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Huy Thắng