Hội thảo diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức (Ảnh: HNV)
Ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 01/5/2017 và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Quá trình thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã bộc lộ một số khó khăn bất cập đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nhằm tháo gỡ những khó khăn - bất cập xung quanh Nghị định 20/CP, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghị định số 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”. Sau Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những nội dung bàn thảo liên quan đến Nghị định 20.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thuế và pháp lý hàng đầu, cùng bàn luận về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2018, vai trò của các doanh nghiệp nói chung trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu cấp bách cần tiếp tục cải cách hành lang pháp lý của Việt Nam. Bên cạnh đó, những bất cập trong quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và mức khống chế chi phí lãi vay tại Khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng được các diễn giả phân tích, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra những vấn đề bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐCP. Phân tích về Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp", ông Nam nêu rõ, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, trước hết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách, gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.
Các diễn giả chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo (Ảnh: HNV)
Đa số đại biểu tham dự cũng thống nhất cao trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung lại Nghị định 20, trong đó kiến nghị bỏ Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20; hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới… Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu ý kiến: cần cân nhắc tới tính hợp lý của Nghị định trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, đồng thời, các cơ quan chức năng liên quan, nhất là một số ủy ban của Quốc hội phải cùng nhau trao đổi, tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Masan cho rằng, phải cân nhắc tới yếu tố vốn giữa công ty mẹ - con, cũng như xem xét lại bản chất khoản vay để có những phương án tính thuế hợp lý, nếu không sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Đồng quan điểm này, ông Trường Anh Tuấn, doanh nghiệp địa ốc Hoàng Quân đề nghị, Nghị định 20 tác động lớn tới đối tượng là các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhất là sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10%. Điều này vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội. Hơn nữa, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đề nghị, mục tiêu chuyển thu nhập thuế từ quốc gia có thuế suất thu nhập thuế cao sang thấp, trong khi đó, tại nội địa Việt Nam, thuế suất như nhau, do đó, Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ, liên quan đến khoản 3, điều 8, Nghị định 20, trong quá trình chuẩn bị, chưa có đánh giá, quá trình tiếp thu và chưa nhận được ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp nhiều nên có một số vướng mắc. Bà Cúc phân tích thêm: “Đối với các doanh nghiệp không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì động cơ chuyển giá mang đến mục tiêu chuyển dịch lợi nhuận là không có. Đương nhiên sẽ có trường hợp các doanh nghiệp vay xuyên biên giới của ngân hàng khác và có động cơ, cơ hội chuyển giá, trốn thuế, nếu như mình làm biện pháp đó với việc khống chế lãi vay Ngân hàng Nhà nước thì điều đó là được. Một chính sách thuế phải phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải phù hợp với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khó khăn”.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó TGĐ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam nêu rõ, việc quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 không được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng làm nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc sử dụng văn bản nào để áp dụng, vì Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Vì thế, quy định trên chỉ áp dụng khi doanh nghiệp có giao dịch vay vốn từ bên liên kết. Đồng thời, phần khống chế chỉ nên tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập (các ngân hàng, tổ chức tín dụng,...).
“Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Tập đoàn, hoặc các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản. Việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS, thực tiễn áp dụng ở các nước để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp” – bà Hạnh nói.
Nghị định 20 là bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như thể hiện trách nhiệm quốc gia trong mục tiêu góp phần chống lại xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu; góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 20 vẫn gây ra nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện, cơ sở đưa ra ngưỡng lãi vay 20% và đối tượng áp dụng, cần nhanh chóng được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn mới hiện nay./.
Hà Anh