Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế mưa diện rộng, khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa tới mưa lớn như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 50 mm, Móng Cái (Quảng Ninh) 37 mm…
|
Sáng 16/10, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Hà Nội se lạnh kèm mưa. Ảnh: Tiến Tuấn.
|
Tối 16/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Trong đêm, vùng áp thấp di chuyển theo hướng tây chếch nam, vận tốc khoảng 15 km/h, tiếp tục suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang tiếp tục có mưa rào và dông, gió tây nam cấp 5-6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 7-9.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần. Ảnh: NCHMF.
|
Cơ quan khí tượng cho hay đây là thông tin cuối cùng về cơn bão số 11. Như vậy, bão đã không đổ bộ vào bờ hay gây mưa lớn như lo ngại. Bởi nếu tiếp tục có mưa lớn, hậu quả sẽ rất khó lường khi mà miền Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn chưa khắc phục xong những gì mà đợt mưa lũ vừa qua.
Cơn bão có tên quốc tế Khanun hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines ngày 11/10. Vượt qua đảo Luzon, trở thành cơn bão số 11 trên biển đông, bão nhanh chóng tăng cấp và có giai đoạn mạnh tới cấp 13 trước khi quét vào khu vực giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quốc).