Áp dụng tối đa quy định hiện hành để thu thuế xe hợp đồng điện tử 

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, 9 doanh nghiệp vận tải lớn trong đó có Grab, Fastgo Việt Nam... kê khai phải nộp 437 tỷ đồng tiền thuế và các doanh nghiệp này đã nộp 415 tỷ đồng.

 

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề thu thuế xe công nghệ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 5/6, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề Công ty TNHH Grab Việt Nam chỉ nộp thuế gần 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014-2016, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng. Do đó, đại biểu Hoà yêu cầu Bộ GTVT đưa ra giải pháp căn cơ để tránh thất thu thuế với loại hình kinh doanh vận tải mới này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, số liệu như Bộ GTVT nắm được là 48.000 xe đang hoạt động qua ứng dụng gọi xe Grab, nhưng trên thực tế có một số người dân đăng ký nhưng không hoạt động, số liệu này chỉ doanh nghiệp nắm được.

Hiện nay, Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ GTVT và Bộ Công an để thống kê toàn bộ xe nào tham gia dịch vụ vận tải công nghệ để có quản lý chặt chẽ tất cả các biến động, hoạt động của các doanh nghiệp và xe đăng ký để tránh thất thu thuế và đảm bảo an toàn, an ninh vận tải.

“Qua Bộ Tài chính, chúng tôi được biết có khoảng 50.000 xe hợp đồng điện tử đang hoạt động ở Việt Nam. Hiện nay có tới 12, 13 phần mềm trong 14 phần mềm đang vận hành trên các phương tiện có kết nối với Tổng cục Thuế và cơ quan thuế”, Bộ trưởng nói.

Lãnh đạo ngành giao thông cũng chia sẻ mong muốn các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ và “Bộ Tài chính là đơn vị nắm rõ nhất”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định Nhà nước sẽ đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, 9 doanh nghiệp vận tải lớn trong đó có Grab, Fastgo Việt Nam... kê khai phải nộp 437 tỷ đồng tiền thuế và các doanh nghiệp này đã nộp 415 tỷ đồng.

Với Uber Việt Nam, năm 2017, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo Cục Thuế TPHCM kiểm tra thuế tại Uber giai đoạn 2015-2016, và truy thu gần 66,7 tỷ đồng. Tới 31/8/2018, doanh nghiệp này đã nộp đầy đủ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết đã nghiên cứu, áp dụng tối đa quy định luật thuế hiện hành để thu thuế xe hợp đồng điện tử.

“Hiện pháp luật về thuế đã áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp về thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn giảm... Theo đó, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập doanh nghiệp như Grab, Mai Linh, Vinasun... sẽ được áp dụng phương pháp kê khai thuế.

Còn nhà đầu tư nước ngoài xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí... cơ quan thuế phải sử dụng phương pháp tỷ lệ ấn định trên doanh thu hoặc tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu... Các phương pháp này, đều đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.

Phan Trang
235 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1076
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1076
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76434605