Áp dụng thành công kỹ thuật mới trong điều trị ho ra máu  

(Chinhphu.vn) - Ho ra máu là một thách thức đối với các bác sĩ chuyên khoa hô hấp khi điều trị cho bệnh nhân, vì đây là một cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật chụp số hoá xoá nền trong phòng phẫu thuật với nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Báo Cần Thơ

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ vừa điều trị thành công ho ra máu bằng kỹ thuật chụp số hóa xóa nền và nút mạch phế quản cho một bệnh nhân ở tỉnh Hậu Giang.

Ngày 28/2, bệnh nhân T.T.S. (53 tuổi, trú tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), được chuyển đến BVĐK Trung ương Cần Thơ trong tình trạng sốt và ho ra máu đỏ tươi khoảng một tuần. Ông S. đã phẫu thuật 2 lần, nhưng tình trạng ho ra máu chưa cải thiện.

Khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa​ và quyết định chọn kỹ thuật điều trị tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại cho bệnh nhân là chụp số hóa xóa nền và nút mạch phế quản.

Sau khi được áp dụng kỹ thuật nói trên, đến chiều 1/3, bệnh nhân đã không còn không sốt, giảm đáng kể ho ra máu và đang được theo dõi tại phân Khoa Ngoại lồng ngực-mạch máu. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện sau vài ngày tới.

BSCK I. Trần Công Khánh cho biết, ho ra máu là một thách thức đối với các bác sĩ chuyên khoa hô hấp khi điều trị cho bệnh nhân, vì đây là một cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao.

Ho ra máu có xu hướng tái phát nếu không được điều trị triệt để. Một số bệnh nhân ho ra máu ồ ạt nếu chỉ được điều trị nội khoa sẽ có khả năng tái phát trong vòng 6 tháng sau khi xuất viện, với khoảng một nửa số bệnh nhân này có thể tử vong.

Chụp số hóa xóa nền và nút mạch phế quản là kỹ thuật điều trị ho ra máu có tỷ lệ thành công cao so với các phương pháp điều trị nội khoa cũng như phẫu thuật, đã dần trở thành phương pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân ho ra máu.

Mục tiêu của kỹ thuật là làm tắc thành công tất cả các động mạch tăng sinh từ tuần hoàn phế quản nhằm cầm máu tức thời và phòng ngừa chảy máu tái diễn.

Tỷ lệ không tái phát trong thời gian theo dõi một tháng khoảng 73-98%. Tỷ lệ thành công có thể đạt 100% nếu sử dụng lại biện pháp nút mạch và kiểm soát nguyên nhân gây bệnh bằng thuốc cũng như bằng phẫu thuật.

Kỹ thuật này được chỉ định trong các trường hợp ho ra máu nặng và trung bình, ho ra máu mạn tính hoặc diễn tiến bệnh tăng dần, ho ra máu tái phát, không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc cầm máu qua nội soi phế quản.

Việc triển khai thành công kỹ thuật này của BVĐK Trung ương Cần Thơ sẽ mở ra cơ hội mới trong điều trị bệnh ho ra máu cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để phòng ngừa tình trạng ho ra máu, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân cần điều trị sớm và triệt để các bệnh về hô hấp như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản, tránh hút thuốc lá…

BT

473 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87409171