"Ánh sáng niềm tin" 

(ĐCSVN) - Chương trình Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin” kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là bài ca về niềm tin và lòng dũng cảm, tôn vinh những tổ chức Đảng và đảng viên đã quên mình đấu tranh trong chiến đấu, trong lao động sáng tạo..., đồng thời nói lên yêu cầu của thời đại, của dân tộc với các cán bộ, đảng viên trong thời kì mới, trước ngưỡng cửa Đại hội XIII lịch sử.
Quang cảnh Chương trình tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Phạm Cường) 

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình cầu Truyền hình đặc biệt "Ánh sáng niềm tin". Chương trình nhằm điểm lại chặng đường 90 năm vẻ vang của Đảng; tôn vinh các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chương trình được tổ chức tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Long và Côn Đảo.

"Ánh sáng niềm tin" là ngọn lửa được thắp lên từ cuốn "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc - tác phẩm lý luận đầu tiên của cách mạng Việt Nam, một Bảo vật quốc gia tại điểm cầu: Di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) - một trong những chứng tích lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc - thể hiện giai đoạn đầu thành lập Đảng, được truyền sang Cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng) với hình ảnh những thanh niên yêu nước cầm đuốc trên tàu, sẵn sàng vượt qua thách thức, hiểm nguy khi lan tỏa ánh sáng cách mạng. Tiếp đó ngọn lửa được truyền đến nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) thể hiện sự hy sinh, niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Và ngọn lửa với sân khấu bừng sáng được truyền đến với Cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long), thể hiện một thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước ta.

Tham dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Phạm Cường) 

Tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Tại điểm cầu Côn Đảo có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư.

Tại điểm cầu Vĩnh Long có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tham dự tại các điểm cầu còn có nhiều đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng….

Với thời lượng 150 phút, chương trình gồm 5 chương với các phóng sự, giao lưu điển hình, đan xen chương trình nghệ thuật hoành tráng với các bài hát đi cùng năm tháng. Chương đầu tiên "Ngọc đuốc soi đường" đã đưa khán giả ôn lại thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trước đó là thời kỳ trước khi Đảng ra đời: Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước, ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tiếp, sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả... Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt khủng hoảng về đường lối, tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX; gắn với sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.

 Các đại biểu dự điểm cầu tại Côn Đảo. (Ảnh chụp qua màn hình)

Trong Chương I, phóng sự Bác Hồ và sự thành lập Đảng đã nêu rõ hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người từ đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Đến giữa những năm 20 của thế kỷ này, Nguyễn Ái Quốc quyết định tìm đường trở về Tổ quốc để phát động và tổ chức phong trào cách mạng; từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930 Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã thống nhất 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn thành một Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam…. Sau khi ra đời, với đường lối cứu nước đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng lớn: Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945, với đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Chương II với tiêu đề "Khát vọng độc lập tự do", khán giả được trở về với giai đoạn lịch sử khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, ở vào tình thế khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc" bởi thù trong giặc ngoài, ngân khố trống rỗng, nạn đói hoành hành, nạn mù chữ nghiêm trọng… Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương ngày 25/11/1945 xác định cuộc cách mạng ở nước ta lúc này vẫn là "cách mạng giải phóng dân tộc" vì đất nước chưa được hoàn toàn độc lập. Giai đoạn 1945 - 1954, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế chống thực dân Pháp xâm lược. Giai đoạn 1954 - 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai.

Quang cảnh Chương trình tại điểm cầu Vĩnh Long. (Ảnh: Chụp qua màn hình)  

Khán giả cũng được sống lại với nội dung về những chính sách khôn khéo, quyết đoán, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó là khi thì tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền; khi lại nhân nhượng với Pháp: Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước Việt Pháp 14/9/1946. Rồi đến việc Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (thực chất rút vào hoạt động bí mật). Và đến việc cứng rắn trong nguyên tắc, mềm dẻo trong sách lược và nhân nhượng khi cần thiết, nhưng không có nghĩa đầu hàng mà chỉ trong chừng mực nhất định: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946, cả nước bước vào giai đoạn “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” với sự tham gia không tiếc máu xương của nhân dân và các đảng viên. Trong chương hai, khán giả được nghe lại câu nói nổi tiếng của Bác "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do"…

Chương III với tiêu đề "Đổi mới và hội nhập" đã điểm lại sau 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể song cũng gặp không ít khó khăn do việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp khiến đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Trước tình hình đó, Đảng ta đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới về kinh tế. Đường lối "Đổi mới" được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986. Qua đây, chương trình mang đến thông điệp: Lãnh đạo của thời kỳ Đổi mới là những người quyết đoán, dũng cảm, luôn lắng nghe, tập hợp trí tuệ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cho những quyết định cần thiết cho dân, cho nước. Đồng thời nêu rõ những thành tựu ngoại giao nâng tầm vị thế Việt Nam từ chính sách "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước", đa phương hóa, đa dạng hóa…, làm nổi bật sự kiên trì của Việt Nam trong chính sách đối ngoại: thực sự có thiện chí hợp tác với tất cả các nước. Từ đó bồi đắp nên niềm tin với Việt Nam: Bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ra nhập ASEAN WTO, Tổ chức APEC, Mỹ Triều, Thành viên KTT Hội đồng Bảo An…

Chương IV có chủ đề “Giữ vững niềm tin”. Chương này làm nổi bật câu nói của Bác Hồ: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân", vì vậy, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta coi là nhiệm vụ then chốt, thực hiện toàn diện, đồng bộ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức trên 4 phương diện: Cải cách bộ máy; phòng chống suy thoái; chống tham nhũng; làm gương, kiểm soát quyền lực.

Quang cảnh ở cả 4 điểm cầu. (Ảnh chụp qua màn hình) 

Ở chương này, khán giả được gặp gỡ, giao lưu với những nhân vật tiêu biểu, như: ông Nguyễn Trung Dật (ông Dật "gàn"), cựu chiến binh chống tham nhũng xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Từ năm 2007, ông Dật cùng 9 người dân khác tham gia đấu tranh chống tiêu cực ở xã; giai đoạn sau, đấu tranh không có kết quả, chỉ còn lại ông Dật tiếp tục, dù bị đe dọa, chê bai, dè bỉu. Đó còn là bà Sáu Trầu (Đào Thị Biểu), nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long). Tại Kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa VII (tháng 10/1984), bà Sáu Trầu, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long đã nói thẳng - nói thật các bất cập trong đổi tiền, chính sách giá – lương – tiền. Sau này nhà thơ Nguyễn Hải Trừng tặng bà tập thơ, ngoài bìa đề mấy câu: "Tặng người em gái quê hương, người mở ra kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên nói thẳng - nói thật". Sau buổi phát biểu hôm đó, đại biểu các đoàn đã đến, tặng trầu cau để bà ăn trong những ngày ở Hà Nội…

Chương cuối với tựa đề "Tự hào đi lên" – đã đưa khán giả đến với các phóng sự về những đảng viên đi đầu trong sáng chế khoa học, trong mặt trận an ninh, bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân...  Đó là câu chuyện của ông Trần Vũ Hợp, Giám đốc Trung tâm Radar, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Công ty của ông Hợp sản xuất radar, đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia tự làm được radar, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục triệu đô la, trang bị cho nhiều quân binh chủng. Hay, Trung tá Mai Hoàng, Trưởng Công an huyện Mộc Châu, Sơn La đã có gần 20 năm công tác trong lực lượng Công an cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc, triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức buôn bán ma túy có vũ trang qua biên giới. Từ tháng 6/2014 đến năm 2017, Trung tá Mai Hoàng trực tiếp tham gia cả 9 giai đoạn chuyên án, với 57 trận đánh vũ trang. xử lý 1.283 vụ với 2.061 bị can. Năm 2019, Trung tá Mai Hoàng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba vì đã có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là câu chuyện về huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung, với động lực vì danh dự Tổ quốc, tinh thần dân tộc tạo nên niềm tin chiến thắng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao  kỷ niệm chương cho tổ chức đảng và đảng viên tiêu biểu tại Hà Nội. (Ảnh: Phạm Cường)

Xuyên suốt chương trình "Ánh sáng niềm tin" đã nhấn mạnh: Mọi thời kỳ lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc đều chứng kiến những tấm gương đảng viên tiêu biểu, "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm". Trước kia là dũng cảm đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do; ngày nay là sự chủ động lên tiếng trước cái ác cái xấu, hành động vì lẽ phải; dũng cảm đổi mới, tìm tòi trên nền tảng trí tuệ, văn hoá ở tầm cao, nắm bắt thời cơ đưa đất nước trở thành nước văn minh, giàu mạnh. Cũng đã có những lúc Đảng mắc khuyết điểm (ví dụ như thời kỳ cải cách ruộng đất, thời kỳ trước đổi mới…). Nhưng đúng như câu thơ: "Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm" (Tâm sự Đảng viên – Việt Phương). Tinh thần phê bình và tự phê bình, dám nhìn thẳng vào sự thật luôn được Đảng ta phát huy trong mọi thời điểm. Động lực cho tất cả hành động đó là niềm tin vào lý tưởng cách mạng cao đẹp. Mỗi đảng viên, bằng những việc làm cụ thể của mình, lại góp phần nhân lên, lan tỏa ánh sáng cao đẹp ấy.

Cũng trong thời khắc thiêng liêng của buổi truyền hình trực tiếp đêm nay, khán giả cả nước đặc biệt xúc động, lắng động sâu sắc với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng sáng nay 3/2/2020.

Và ngọn lửa của ánh sáng niềm tin được các bậc tiền bối cách mạng thắp lên, đã được các gương mặt tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ của đất nước rước đến để đồng chí  thắp lên đài lửa. Ngọn lửa bừng cháy tạo ra nguồn năng lượng cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao kỷ niệm chương tặng 90 đảng viên và tổ chức đảng tiêu biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao kỷ niệm chương cho tổ chức đảng và đảng viên tiêu biểu tại Hải Phòng. (Ảnh chụp qua màn hình) 

Quá khứ oai hùng với truyền thống yêu nước từ ngàn xưa, mãi là âm vang hào khí còn vang vọng đến hôm nay và mai sau, tiếp thêm niềm tự hào cho mỗi người con Việt Nam bước đi trên con đường cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Chương trình Cầu truyền hình 90 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là bài ca về niềm tin, lòng dũng cảm, tôn vinh những tổ chức Đảng, đảng viên đã quên mình đấu tranh trong chiến đấu, trong lao động sáng tạo..., phát huy truyền thống của Đảng, đồng thời nói lên yêu cầu của thời đại, của dân tộc với các cán bộ, đảng viên trong thời kì mới, trước ngưỡng cửa Đại hội XIII lịch sử./.

 
Thu Hà
495 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 847
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 847
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87053442