Ngày 15/7, cảnh sát Anh thông báo đã bắt giữ 4 đối tượng có hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội nhằm vào các cầu thủ của đội tuyển bóng đá Anh sau khi Tam Sư để thua đội tuyển Italy trong trận chung kết EURO 2020.
Trong trận chung kết, bộ ba cầu thủ da màu của đội tuyển Anh là Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka đều không thành công ở loạt sút luân lưu trong trận đấu lịch sử này. Sau 120 phút thi đấu cả chính thức lẫn hiệp phụ hòa 1-1, đội tuyển Anh đã thất bại 3-2 ở loạt sút "cân não."
Vài phút sau khi Bukayo Saka sút hỏng luân lưu, nhiều cổ động viên quá khích đã vào tài khoản cá nhân cầu thủ này để xúc phạm anh bằng ngôn từ mang tính phân biệt chủng tộc. Hai cầu thủ Rashford và Sancho cũng là nạn nhân của những hành động tương tự sau khi sút hỏng luân lưu.
Cảnh sát cho biết đã mở cuộc điều tra về hành vi thù ghét sau khi bộ 3 cầu thủ trên trở thành mục tiêu phân biệt chủng tộc trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram và Twitter.
Trong vòng 24 giờ xung quanh trận chung kết, cảnh sát đã ghi nhận 897 vụ ẩu đả liên quan tới bóng đá và bắt giữ 264 đối tượng, tăng mạnh so với các giải bóng đá năm 2016 và 2018.
[Cảm xúc lẫn lộn của người Anh trên thánh địa Wembley]
Trước đó, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) cũng kịch liệt lên án nạn phân biệt chủng tộc của các cổ động viên quá khích, khẳng định "sẽ hỗ trợ tối đa các cầu thủ bị ảnh hưởng" và kêu gọi "các hình phạt nghiêm khắc nhất" với những kẻ phân biệt chủng tộc.
FA cam kết sẽ làm mọi điều có thể để loại bỏ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá, đồng thời đề nghị chính phủ nhanh chóng đề xuất một dự luật thích hợp để điều chỉnh hành vi này.
FA cũng cho rằng các công ty truyền thông xã hội cần tham gia và có trách nhiệm cùng hành động để ngăn chặn những kẻ phân biệt chủng tộc sử dụng các nền tảng xã hội, cũng như giúp thu thập chứng cứ để phục vụ quá trình truy tố.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên án hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội nhằm vào các cầu thủ trên, khẳng định "đội tuyển Anh xứng đáng được tán dương như những người hùng, chứ không phải hứng chịu hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội."
Chính phủ Anh cam kết sẽ có biện pháp đối với các công ty truyền thông xã hội nếu họ không nhanh chóng gỡ bỏ các bình luận có nội dung mang tính công kích và xúc phạm cá nhân.
Ông Mark Roberts, quan chức chịu trách nhiệm điều hành chính sách của Anh về các vấn đề bóng đá, khẳng định giới chức nước này đang phối hợp chặt chẽ với các nền tảng truyền thông xã hội để phát hiện, truy bắt và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi phân biệt chủng tộc.
Trong suốt hành trình tại EURO 2020, trước mỗi trận đấu, các cầu thủ Anh đều thực hiện nghi thức quỳ một gối thể hiện sự đồng lòng chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Trước giải đấu, FA đã yêu cầu người hâm mộ không la ó các cầu thủ vì thể hiện của họ và khuyến khích các cầu thủ tiếp tục đứng vững./.
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)