An sinh xã hội và nguồn lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 

(ĐCSVN) – Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh. Trong bối cảnh đó, tình hình an sinh xã hội và lao động đã chịu nhiều tổn thất nặng nề.

 

Thực trạng đó được phản ánh rõ nét qua diễn biến trong thực tế khi người lao động lần lượt đón nhận các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước và cả cộng đồng cũng như một số cá nhân hảo tâm.

An sinh xã hội và thị trường lao động “lao đao” vì COVID-19

Dịch bệnh gây nhiều khó khăn, thách thức cho lao động và an sinh xã hội (Ảnh: PV) 

Phân tích nhóm hỗ trợ của Nhà nước với người lao động nói riêng và người dân nói chung bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, điều kiện thụ hưởng còn phức tạp khiến người lao động khó hoàn thành các giấy tờ cần thiết để minh chứng cho hoàn cảnh (như phải hoãn hợp đồng lao động, dừng hợp đồng lao động, đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi…) qua công chứng hoặc chính quyền sở tại. Nhiều người lao động mắc bệnh COVID-19 phải nghỉ làm việc và tự cách ly sau khi có kết quả âm tính. Thời gian điều trị và nghỉ cách ly chính là thời gian nghỉ ốm, nhưng không phải tất cả lao động tham gia BHXH đều được chi trả trợ cấp mất giảm thu nhập do ốm đau trong trường hợp này là do không thể hoàn thiện hồ sơ liên quan.

Bên cạnh đó, điều kiện hộ kinh doanh nhận được hỗ trợ là phải có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất nhiều hộ kinh doanh lao đao vì đại dịch và cần hỗ trợ nhưng lại không tiếp cận được vì họ không đăng ký kinh doanh. Cùng lúc đó, nhiều lao động chưa tham gia BHXH đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng BHXH nên khi bị hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ việc không lương thì không được coi là đối tượng hỗ trợ.

Ngoài ra, các chính sách trong Nghị quyết 68 đã bỏ sót một nhóm lao động có giao kết hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội trong cơ sở kinh doanh vì Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không quy định đối tượng làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể. Nghị quyết 68 không bao phủ các nhóm đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên như người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu hay trợ cấp BHXH khác… Đặc biệt, nhóm lao động tự do, lao động di cư chiếm đa số nhưng họ lại rất khó xác định trên thực tế và khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Nhiều địa phương vẫn lập danh sách đối tượng thụ hưởng một cách thủ công qua hệ thống nhân lực từ cấp tổ dân phố, cấp xã/phường, huyện/quận tổng hợp nên việc bỏ sót đối tượng hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là đối tượng lao động di cư, lao động tự do.

Liên quan tới mức hưởng và thời gian hưởng, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, các mức hỗ trợ của cả hai gói theo Nghị quyết 42/2020 và Nghị quyết 68/2021 đều thấp và không đáp ứng mức sống tối thiểu. Phần lớn các chính sách chỉ hỗ trợ một lần, tính linh hoạt và kịp thời chưa cao khi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài nhiều tháng và diễn biến phức tạp.

Hơn nữa, do không có hướng dẫn khung về định mức hỗ trợ nên việc hỗ trợ người lao động yếu thế ở các địa bàn rất khác nhau vì nó phụ thuộc vào năng lực tài chính của các địa phương và điều này có thể gây ra rào cản tiếp cận chính sách khi người lao động di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Việc hỗ trợ người lao động lao động tự do (hay không có hợp đồng lao động) – nhóm lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động ở nhiều tỉnh/thành phố – đang để mở và phụ thuộc vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương nên có thể tạo ra gánh nặng lớn cho các tỉnh nghèo (có ngân sách eo hẹp) và làm cho tính khả thi và kịp thời của chính sách này có thể không cao.

Ở thị trường lao động, nguồn cung lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập: lực lượng lao động sụt giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây… Thanh niên, phụ nữ, lao động không có trình độ hoặc trình độ thấp là các đối tượng dễ bị tổn thương hơn. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề do việc làm giảm mạnh, thiếu việc làm tăng cao, thu nhập giảm sút nghiêm trọng (đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, kho bãi). Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lao động nhập cư. Thực tế cho thấy, mô hình thu hút nhập cư vào các thành phố và khu công nghiệp lớn hiện nay đang lộ rõ các ảnh hưởng tiêu cực, rủi ro cao và tính không bền vững khi lao động nhập cư không có cơ hội “an cư lập nghiệp”. Cơ hội tìm kiếm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời của người lao động trở nên khó khăn. Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm như thường thấy trong những giai đoạn trước đây.

Đặc biệt, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường. Trong giai đoạn này, phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn do người lao động chưa thích nghi được với quá trình chuyển đổi số/hình thức làm việc của doanh nghiệp cũng như phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo. Sau giãn cách, dự kiến các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do phải đào tạo lao động đáp ứng sự thay đổi/dịch chuyển lĩnh vực/ngành nghề hoạt động/hình thức việc làm và tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Một số khuyến nghị về an sinh xã hội và nguồn lao động

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất một số khuyến nghị về an sinh xã hội và nguồn lao động, trong đó nêu rõ:

Về an sinh xã hội, cần chú ý 5 nhóm giải pháp bao gồm:

Thứ nhất, xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.

Thứ hai, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì phạm vi hỗ trợ trong gói thứ hai không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em). Đặc biệt, cần chú trọng tới nhóm trẻ em đã mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19 bởi đây là nhóm bị tổn thương nhiều nhất về cả đời sống vật chất và tinh thần.

Thứ ba, việc xác định lao động tự do bị mất việc rất khó khăn hoặc thiếu căn cứ để xác định nên dễ xác định nhầm hoặc bỏ sót. Vì thế, ngoài việc tăng cường rà soát ở địa phương thì cần tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) để người dân tự đăng ký nhận gói an sinh qua các ứng dụng công nghệ phổ biến để vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả.

Thứ tư, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã được mở rộng và rất cần thiết. Tuy nhiên, nên cân nhắc giảm hoặc miễn đóng hơn là tạm dừng hoặc đóng chậm vì việc phục hồi sản xuất cần có thời gian trong khi gánh nặng đóng vẫn như cũ nếu chỉ tạm dừng hoặc đóng chậm.

Thứ năm, tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động. Cần xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “ba tại chỗ” tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế. Cùng lúc đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người dân có nguy cơ hoặc bị nhiễm COVID-19. Triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn mạng lưới bác sỹ gia đình. Cần tăng cường hoạt động khám và tư vấn chữa bệnh qua Telehealth cho người dân nói chung và S-Health cho người cao tuổi nói riêng.

Về nguồn lao động, cũng phải lưu ý tới 5 nhóm vấn đề, đó là:

Thứ nhất, tổ chức lao động an toàn. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, cần thống nhất quy chế phản ứng nhanh trong tình hình COVID-19 giúp doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục, từng bước phục hồi dần hoạt động  hiệu suất thông thường.

Thứ hai, tăng cường chính sách an ninh việc làm: cung cấp động lực cho người sử dụng lao động để giữ chân người lao động ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động. Mục tiêu chính là giữ người lao động theo hợp đồng để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại ngay sau khi các hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, bao gồm: lịch làm việc luân phiên, trợ cấp tiền lương, giãn thuế và đóng góp an sinh xã hội, và tiếp cận với các hình thức hỗ trợ kinh doanh khác nhau để có điều kiện để giữ chân người lao động.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu lao động: khi dịch bệnh được kiểm soát qua miễn dịch cộng đồng, hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và các chiến lược kết nối thông tin lao động - việc làm liên tỉnh thành cần phải được thiết lập để sẵn sàng để nhanh chóng phân bổ nguồn lao động, hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt nâng cao vai trò, hiệu quả của các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động và doanh nghiệp giữa nhiều địa phương với nhau.

Thứ tư, khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp: Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành cơ chế mới cho phép người lao động trực tiếp đăng ký các khóa đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng trình độ sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp mà không cần qua doanh nghiệp.

Thứ năm, chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, Chính phủ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

 
Lê Anh
284 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 613
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 613
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77465271