Sáng 15/8, người dân ùn ùn về quê. Khi đến trạm kiểm soát gần khu du lịch Suối Tiên, lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu người dân quay trở về. Ảnh: MINH AN 

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Với tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của biến thể Delta, Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm nghìn trường hợp mắc COVID-19 trong đó có hàng nghìn người không may mắn đã tử vong.  Cùng với đó là những hậu quả nặng nề về mặt xã hội khi hàng triệu người dân điêu đứng, cùng cực do COVID-19.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp. Một bộ phận không nhỏ những người dân nhập cư đã không thể cầm cự, không thể “trụ” được tại thành phố này nên họ buộc phải tìm mọi cách để trở về quê hương của mình.

Đã có không ít những chuyến hồi hương thành công cả tự phát lẫn có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các mạnh thường quân.  Tuy nhiên, việc về tự phát của những đoàn người bất chấp nguy hiểm, vượt cả ngàn cây số để thoát thân khỏi tâm dịch đã  khiến cho dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát.

Trước thực tế trên, trong công điện ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, "tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép". Sau công điện này, các tỉnh cũng đã dừng đón người dân về quê tự phát bằng xe máy.

Cùng với đó, Trung ương cũng đã chỉ đạo TP Hồ Chí Minh phải quan tâm, chăm lo, có chính sách an sinh xã hội đảm bảo không để người dân thiếu đói.

Thời gian qua, phải thừa nhận rằng, TP Hồ Chí Minh là địa phương triển khai các gói an sinh xã hội khá hiệu quả, nhanh và kịp thời. Thành phố cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước và các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Thành phố cũng là nơi xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, thiết thực trong mùa dịch để chia sẻ khó khăn với bà con... Nhưng có lẽ, sự hỗ trợ ấy là chưa đủ bởi số lượng người đang gặp khó đang cần được nhận hỗ trợ còn quá nhiều trên thực tế.

Những hình ảnh người dân “tháo chạy” khỏi Thành phố từ hồi tháng 6, tháng 7 bất chấp hiểm nguy, có cả đứa trẻ mới sinh được vài ngày cũng phải “hành quân” theo cha mẹ một cách đầy nghiệt ngã, có lẽ vẫn còn đang ám ảnh trong mỗi chúng ta. Nhưng với những người đang cố cầm cự ở Thành phố này cho tới hôm nay, họ lại thấy những người chọn về quê trước là may mắn.

Anh Nguyễn Văn Cương, quê Yên Thành, Nghệ An làm thợ hồ hiện đang mắc kẹt tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Giá như lúc ấy tôi theo bạn bè, anh em về thì tốt biết mấy. Họ hết thời gian cách ly, giờ đã được về với gia đình rồi. Về quê có rau ăn rau, chẳng sợ đói. Xe máy của tôi cũ quá nên tôi cũng không dám về. Hơn nữa cứ nghĩ vài bữa sẽ hết dịch, sẽ có việc làm nên đành ở lại. Ở đây, giờ công việc không có, thu nhập không, mà cũng chưa nhận được sự hỗ trợ nào của chính quyền, lại ở một mình trong công trình, lo nhất là lúc ốm đau, lỡ có vấn đề gì thì không biết kêu ai…”.

Có lẽ đây là suy nghĩ chung của rất nhiều người có hoàn cảnh như anh Cương. Tới thời điểm này, họ đã sức cùng lực kiệt. Đã vài tháng nay thất nghiệp, ngồi trong phòng trọ tránh dịch, không việc làm, không thu nhập. Không ít người, một ngày chỉ ăn 1 bữa, và bữa ăn ấy cũng chỉ là rau và mì tôm. Trong khi tiền nhà trọ tới tháng vẫn phải nộp. Chưa kể có gia đình còn nheo nhóc con nhỏ…Chắc hẳn phải ở trong hoàn cảnh như vậy mới thấu hiểu hết nỗi khổ tột cùng của những con người như thế.

Để rồi khi nghe tin Thành phố tiếp tục giãn cách tới hết 15/9, họ lại hối hả thu dọn hết đồ đạc, gói gọn trong ba lô, va li để “rồng rắn” kéo nhau thoát ra khỏi chốn thị thành. Khoan hãy trách họ vì sao không tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch mà hãy hiểu cho họ, bởi họ cũng có lý do chính đáng. “Ở lại TP Hồ Chí Minh thì tuân thủ Chỉ thị 16, nhưng mất việc, hết tiền, bám trụ khó khăn quá tôi chịu không nổi. Bởi vậy tôi muốn về quê có mắm ăn mắm, có muối ăn muối dễ sống hơn" hay "Tôi hết cách rồi, biết cả nước đang giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, nhưng nếu ở lại lấy tiền đâu mà sống, sợ bị nhiễm bệnh nữa"... Đó là chia sẻ rất chân thật của những người muốn được trở về quê vào ngày 15/8 khi qua chốt ở cửa ngõ phía Đông, TP Thủ Đức.

Chúng ta tuyên truyền, chúng ta khuyên nhủ, chúng ta kêu gọi bà con ở lại. Để làm gì? Bởi vì chúng ta đang lo cho người dân trước một đại dịch quá tàn khốc. Giờ đây, mầm bệnh đang phát tán rộng khắp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thì làm sao có thể biết được rằng, trong đoàn người về ấy ai đang là F0? Nếu để bà con đi như vậy đúng là quá nguy hiểm, sẽ làm gia tăng lây nhiễm trong cộng đồng. Con số mà chiều 15/8, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết trong 2.000 người Ninh Thuận từ Đồng Nai về quê tránh dịch vào ngày 31/7, đã có tới 400 người bị nhiễm COVID-19, thật sự đáng lo ngại và đáng suy ngẫm.

Chưa nói tới việc nhiều nơi đang trong vùng an toàn, không có ca nhiễm, nay bỗng nhiên tiếp nhận người từ vùng dịch về biết đâu mầm bệnh lại lan rộng, hậu quả sẽ rất nặng nề. Bởi “nếu để nhiều nơi cùng bị nặng, chúng ta sẽ không có đủ lực lượng chi viện”, như  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 đã từng nhấn mạnh.

  Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tặng quà cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19. Ảnh: Cao Thăng 
 

Cảm thông với những vất vả mà bà con đang phải chịu đựng, chia sẻ về việc bà con tự phát chạy xe về quê cách đây 2 ngày, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều đó đặt ra nỗi lo lớn cho TP Hồ Chí Minh, làm sao để ngăn chặn tình trạng này không xảy ra? TP Hồ Chí Minh phải tổ chức, phối hợp, hỗ trợ bà con trở về quê với điều kiện đã chuẩn bị như được tiêm vắc xin, có xe đưa đón, phối hợp với địa phương về quê đảm bảo an toàn, không đưa người nhiễm về rồi gây thêm khó khăn cho địa phương các  tỉnh, thành bạn.

Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thành phố đang triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn, thí điểm tại quận 5, 7 và 12.  Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ thứ 2  trong đó có hỗ trợ những người lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn; hỗ trợ kinh phí thuê phòng trọ; tổ chức tiêm vắc xin để người dân yên tâm ở lại cư trú trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Thành phố quan tâm sâu sát, chăm lo các khu nhà trọ có đông công nhân, sinh viên, người lao động tự do…Quan điểm nhất quán của TP Hồ Chí Minh là không để một người dân nào thiếu đói và không bỏ sót ai.

Giải pháp đã có. Các gói hỗ trợ cũng đã hình thành và khá chi tiết, thiết thực, đúng nhu cầu của người dân hiện nay. Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí phòng trọ, hỗ trợ kinh phí để bà con mua nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ trực tiếp lương thực thực phẩm... Thế nhưng, những lời hứa, những quyết sách cần phải nhanh chóng được hiện thực hóa. Nó cần phải được triển khai kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền nhất là chính quyền cơ sở, sự sát sao của các tổ dân phố, khu phố, phường, xã.  Trước mắt, sau khi yêu cầu người dân không về quê, chính quyền nên vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà. Trường hợp chủ trọ không đồng ý, địa phương cần có phương án chăm lo, hỗ trợ người dân yên tâm ở lại, đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm để người dân sống trong một tháng giãn cách sắp tới.

Ngoài sự nỗ lực của chính quyền Thành phố, các bộ, ngành Trung ương cũng cần phải vào cuộc ngay theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, vai trò của người, cơ quan đứng ra điều phối chung là cực kỳ quan trọng để tránh tình trạng địa phương rối và lúng túng, bị động. Đây không đơn thuần chỉ là chính sách an dân mà thiết nghĩ đó còn là một phần của chiến lược chống dịch. Chúng ta cùng hi vọng sẽ không có thêm một cuộc “tháo chạy” đau lòng nào nữa.

Và nhìn về phía trước, một khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chúng ta sẽ tránh được sự "đứt gãy" về nguồn nhân lực khi các lĩnh vực sản xuất hoạt động trở lại!

 “Thành thị phải tìm mọi cách để giữ dân ở yên và đảm bảo an sinh xã hội. "Vùng đỏ", "vùng vàng" đã đủ rồi, chúng ta không cần thêm những vùng xám - nơi người dân bị hoang mang. Vùng nào người dân được an tâm, đó là vùng cần mở rộng” - đó là những chia sẻ rất thấm thía của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Thật đúng là như vậy. Vùng nào người dân được an tâm, đó mới là vùng chúng ta cần mở rộng. Phải an sinh tốt thì mới an dân. Khi đã an dân, chúng ta mới tạo ra được sức mạnh to lớn của sự đoàn kết, để chiến thắng kẻ thù vô hình-COVID-19./.

V.Lê