AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG - MỘT TRONG NHỮNG TỔ CHỨC TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 

Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, tại Nam kỳ, do sự phân hóa của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (VNTNCMĐCH), một số chi bộ của An Nam Cộng sản đã được thành lập tại một số tỉnh Nam Kỳ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1929. Ngày 7/11/1929, Ban “Lâm thời chỉ đạo” của tổ chức An Nam Cộng sản được thành lập, đến ngày 15/11/1929 Ban “Lâm thời chỉ đạo” chuyển thành Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng, đóng trụ sở tại Sài Gòn, gồm các đồng chí Châu Văn Liêm, Nguyễn Nghĩa (Nguyễn Thiệu), Ung Văn Khiêm, Đỗ Quảng, Huỳnh Quảng, do Châu Văn Liêm làm Bí thư. Từ đó, ngày 15/11/1929 được xem là thời điểm chính thức thành lập An Nam Cộng sản Đảng.

Sự hình thành tổ chức và mục tiêu theo đuổi của An Nam Cộng sản Đảng

Ngày 1/5/1929, VNTNCMĐCH đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc), trong Đại hội này đã dẫn đến sự phân liệt trong nội bộ của VNTNCMĐCH, theo đó đa số đại biểu đều tán thành thành lập ngay Đảng Cộng sản ở nước ta, còn một số đại biểu khác lại chủ trương hãy tạm thời giữ lại tổ chức cũ của VNTNCMĐCH, rồi thành lập Đảng Cộng sản sau. Bởi vậy, sau Đại hội, một số thanh niên trong Tổng bộ VNTNCMĐCH (đ/c Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm) tại Hương Cảng đã thành lập nên “Hội trù bị tổ chức Đảng Cộng sản”. Hội này thành lập không được bao lâu thì các đồng chí phụ trách Hội ở trong nước bị bắt, vì vậy trên thực tế, Hội này chưa có đóng góp cụ thể nào. Cho đến hết tháng 7/1929, những phần tử cấp tiến nhất trong Tổng bộ VNTNCMĐCH vẫn kiên trì quan điểm duy trì tổ chức cũ, triệu tập Đại hội để chỉnh đốn và cần có thời gian ít nhất là một năm để vận động và thành lập chính đảng mới.

Các chi bộ An Nam Cộng sản được thành lập:

Tháng 8/1929, đồng chí Hồ Tùng Mậu thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, chắp nối đường dây liên lạc với phong trào cách mạng trong nước. Đến tháng 9/1929, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm chỉ đạo việc thành lập các chi bộ An Nam Cộng sản. Việc thành lập các chi bộ An Nam Cộng sản được xem là giải pháp tình thế lúc bấy giờ, mục đích cuối cùng của các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm là tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai tổ chức cộng sản (An Nam Cộng sản và Đông Dương Cộng sản Đảng) ở nước ta lúc bấy giờ nhằm thành lập một Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất.

Tháng 10/1929, đoàn đại biểu của An Nam Cộng sản ở Nam Kỳ cùng với đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng gặp nhau ở Hương Cảng (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần lễ bàn bạc, trao đổi ở Hương Cảng, cuộc gặp gỡ không mang lại kết quả gì, hai nhóm cộng sản đều có chung mong muốn, con đường đi tới vẫn là con đường hợp nhất, tuy nhiên cần có thời gian để suy nghĩ, bàn bạc thêm trong nội bộ tổ chức mình.

Ban “Lâm thời chỉ đạo” tiền thân của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời An Nam Cộng sản Đảng ra đời:

Tháng 11/1929, An Nam Cộng sản Đảng thoát ly hoàn toàn với VNTNCMĐCH để thúc đẩy nhanh sự thống nhất giữa các lực lượng cách mạng. Trong cuốn hồi ký của đồng chí Nguyễn Nghĩa (đại biểu cấp tiến của An Nam Cộng sản) có viết: Sau cuộc Hội nghị hợp nhất không thành, An Nam Cộng sản thấy rằng, nếu mình không có một tổ chức thật mạnh mẽ thì cũng khó mà bàn chuyện hợp nhất một cách đường hoàng với Đông Dương Cộng sản Đảng … vì vậy thay vì chỉ gọi là các chi bộ An Nam Cộng sản như từ trước đến nay thì phải thành lập ngay một Ban Lãnh đạo chung đóng trụ sở tại Sài Gòn và lấy tên là “Lâm thời chỉ đạo”.

Ngày 7/11/1929, Ban “Lâm thời chỉ đạo” của An Nam Cộng sản ra đời gồm các đồng chí: Châu Văn Liêm, Nguyễn Nghĩa, Ung Văn Khiêm, Đổ Quảng, Huỳnh Quảng.  Ban “Lâm thời chỉ đạo”  này chỉ chỉ đạo các tổ chức ở trong nước, còn các đồng chí ở Hương Cảng vẫn tổ chức một chi bộ đặc biệt của An Nam Cộng sản, chi bộ đặc biệt của An Nam Cộng sản ở Hương Cảng chịu trách nhiệm chỉ đạo mọi mặt về đường lối, chủ trương của Ban “Lâm thời chỉ đạo” ở trong nước. Chi bộ đặc biệt của An Nam Cộng sản ở Hương Cảng xuất bản tờ báo “Đỏ” để tuyên truyền và chủ trì Nội san lý luận lấy tên là “Bôn – sơ – vích” để đối đáp lại những lý luận của Đông Dương Cộng sản Đảng. Ban “Lâm thời chỉ đạo” chỉ chỉ đạo công việc hàng ngày và lúc cần ý kiến thì viết thư cho các đồng chí ở Chi bộ Hương Cảng và thường xuyên báo cáo tình hình với chi bộ ấy.

Ban “Lâm thời chỉ đạo” chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn thì Đông Dương Cộng sản Đảng tuyên bố chỉ liên hệ với Đảng chứ không liên hệ với các cá nhân, trước tình hình đó, ngày 15/11/1929, Chi bộ đặc biệt của An Nam Cộng sản ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã về nước và nhanh chống chuyển Ban “Lâm thời chỉ đạo” thành An Nam Cộng sản Đảng và thành lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Từ đó, ngày 15/11/1929 được xem là ngày thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, cũng từ thời điểm này, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng đã xây dựng được mối quan hệ.

Như vậy từ những diễn biến của phong trào cách mạng trong nước sau các chặng đường thành lập: “Hội trù bị tổ chức Đảng Cộng sản” - “Các chi bộ An Nam Cộng sản” - Ban “ Lâm thời chỉ đạo”. An Nam Cộng sản Đảng đã chính thức ra đời vào ngày 15/11/1929 do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư, đảm nhận trọng trách thống nhất các tổ chức Cộng sản ở nước ta lúc đó. Từ khi thành lập đến khi hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, An Nam Cộng sản Đảng đã có một hệ thống tổ chức vững mạnh và có tổ chức rộng khắp ở các tỉnh Nam Kỳ. Tại Sài Gòn, An Nam Cộng sản Đảng đã thành lập được Tổng công Hội Nam kỳ  bao gồm nhiều công hội xí nghiệp, công hội thợ thủ công.

An Nam Cộng sản Đảng ra đời đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê Nin trong công nhân, nông dân, phát động phong trào đấu tranh chống khủng bố, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh ở Nam Kỳ, giữ vai trò lớn trong vận động tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào Mùa Xuân năm 1930, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, kỷ nguyên Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Châu Minh

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982.
  2. Trần Giang, An Nam Cộng sản Đảng thành lập từ bao giờ, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 9, tháng 9-1996.
  3. Khổng Đức Khiêm, Một số tư liệu về An Nam Cộng sản Đảng, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 2, tháng 2 -1998.

 

36211 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1252
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1252
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87110550