Ai phải chịu trách nhiệm về việc "quên" thi hành án suốt 8 năm? 

Đối tượng Trần Đình Anh (40 tuổi, trú phường 5, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) bị TAND huyện Hướng Hóa tuyên án 2 năm tù từ năm 2010 vì tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên các cơ quan liên quan lại "quên" thi hành bản án này suốt tám năm qua.

Sự việc hi hữu

Vào tháng 10/2018, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện một vụ án vận chuyển hàng cấm. Đối tượng bị bắt giữ liên quan đến vụ án này là Trần Đình Anh.

Quá trình lấy lời khai, đối tượng Trần Đình Anh khai nhận bản thân từng có 3 tiền án. Theo đó, năm 2003 về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, năm 2007 về tội Trộm cắp tài sản và năm 2010 về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do TAND huyện Hướng Hóa tuyên mức 2 năm tù giam. Tuy nhiên, bản án này chưa được thi hành suốt 8 năm qua.

Cụ thể, vụ án được TAND huyện Hướng Hóa đưa ra xét xử vào tháng 9/2010. Cáo trạng của VKSND huyện Hướng Hóa cho thấy hành vi của đối tượng Anh là vận chuyển số lượng lớn các loại bia, rượu, thuốc lá không có hóa đơn chứng từ từ khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo vào nội địa. Trị giá số hàng này lên đến hàng trăm triệu đồng. Bản án có hiệu lực từ ngày 18/10/2010. Thời điểm bản án có hiệu lực, đối tượng Anh đang được tại ngoại.

Đến thời điểm hiện tại thì bản án nói trên đã hết thời hiệu thi hành nên vụ việc được chuyển lên cục Điều tra của VKSND Tối cao để điều tra.

Ai phải chịu trách nhiệm về việc

Đối tượng Trần Đình Anh bị bắt mới phát hiện chưa thi hành án cũ. (Hình minh họa).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đánh giá về vụ việc vô cùng hi hữu nói trên xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nộicho hay: "Đúng là việc "quên" thi hành án là những chuyện hi hữu và gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội. Hi hữu là bởi trách nhiệm tổ chức thi hành bản án sau khi tòa án đã tuyên bản án có hiệu lực thuộc về rất nhiều cơ quan tố tụng như: Tòa án (ra quyết định thi hành án, theo dõi báo cáo việc thực hiện quyết định); Viện kiểm sát cùng cấp (giám sát việc thi hành án); Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (giám sát việc thực thi pháp luật); Cơ quan công an cùng cấp... Việc tổ chức thi hành án đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện tính chất cưỡng chế của pháp luật, nhằm mục đích giáo dục, cải tạo bị cáo theo phán quyết của tòa án".

Theo luật sư Cường, thời điểm bản án trên có hiệu lực pháp luật là năm 2010, khi đó việc tổ chức thi hành án hình sự sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh thi hành án phạt tù. Trong các văn bản này quy định rất rõ thẩm quyền, thủ tục và trách nhiệm tổ chức thi hành án của các cơ quan chức năng.

Theo đó, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ ra quyết định thi hành án để giao cho cơ quan công an, VKS và người phải thi hành án. Cơ quan công an sẽ tổ chức thi hành án, VKS sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định này, tòa án cũng có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện quyết định thi hành án trên cơ sở yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện quyết định thi hành án.

Thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (thời điểm thi hành bản án tuyên vào năm 2010) như sau: "5 năm đối với các  trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 3 năm trở xuống...". Nay bản án vẫn chưa được thi hành là đã hết thời hiệu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ai phải chịu trách nhiệm về việc

Luật sư Đặng Văn Cường.

“Như vậy, theo quy định pháp luật nêu trên thì nếu đến tháng 10/2015 mà bản án 2 năm tù về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới không được thi hành thì bản án này không còn hiệu lực để thi hành. Cơ sở lý luận về thời hiệu thi hành bản án là để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc thi hành án và thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Nếu bị cáo không bị thi hành án nhưng trong thời thời hiệu thi hành án, bị cáo tự cải tạo, giáo dục, chấp hành tốt pháp luật thì không cần phải thi hành án nữa, bởi bản chất của việc tổ chức thi hành án cũng chỉ nhằm mục đích cải tạo, giáo dục để sau khi chấp hành án, bị cáo sống tốt hơn, không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa”, luật sư Cường cho hay.

Không thi hành án là tội hình sự

Luật sư Cường nhận định thêm: Việc tổ chức thi hành án là một trong các hoạt động tư pháp để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu người nào là cán bộ ngành tư pháp mà không tuân thủ hoạt động tư pháp, gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại chương XXIV, về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, hành vi không tổ chức thi hành án hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không thi hành án tại Điều 379, Bộ luật Hình sự 2015.

Theo quy định tại Điều 379, người phạm tội có thể đối diện với các khung hình phạt như: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Vị luật sư nhấn mạnh: “Trong vụ việc này, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao sẽ vào cuộc xác minh làm rõ việc ra quyết định thi hành án, chuyển quyết định thi hành án, tổ chức thực hiện bản án của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nêu trên. Nếu đủ căn cứ, xác định rõ "lỗi" của cá nhân có thẩm quyền nhưng "quên" nhiệm vụ thì sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên để xử lý”.

PV

1051 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87041898