Rất bất ngờ, sáng 14.8, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên sơ thẩm lần 3 của TAND TP.Đà Nẵng đã không tiến hành tuyên án sau nhiều ngày nghỉ nghị án như đã công bố, Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh - Chủ tọa phiên tòa - đã tuyên bố: “Do còn một số vấn đề cần xét hỏi thêm, Tòa quyết định quay trở lại phần xét hỏi”.
Và cũng rất bất ngờ, các bị cáo được xét hỏi lại đã làm cho hội trường xử án bàng hoàng khi nói với HĐXX rằng không một cán bộ Hải quan nào trong cả 3 bị cáo nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có nhìn thấy “Biên bản kết luận giám định” số 151 ngày 12.3.2012 cả.
Ông Đỗ Danh Thắng nói: “Ngày 14.3.2012, liên ngành, trong đó có Chi cục Hải quan do tôi làm Chi cục trưởng mới làm “Biên bản khám xét nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan” số 01/BB-HC4 đối với 22 container gỗ trắc xuất khẩu trong vụ án, vậy mà ông Đào Xuân Thành ở Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) bắt tôi phải đưa vào biên bản này số liệu từ biên bản giám định số 151 có từ trước đó 2 ngày.
Nhưng cả đoàn liên ngành cũng không hề nhìn thấy văn bản 151 đó. Hỏi thì các ông ở Cục ĐTCBL nói đó là văn bản mật, không đưa ra được. Tôi thấy rất vô lý. Sau đó, Cục ĐTCBL triệu tập chúng tôi ra Hà Nội hai lần với nội dung yêu cầu chúng tôi sửa lại biên bản khám xét số 01.Việc này tôi đã có báo cáo Cục Hải quan Đà Nẵng”.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi vị đại diện Cục Hải quan Đà Nẵng lời khai đó của bị cáo Thắng có đúng không, và nhận được câu trả lời: “Đúng”, và nói thêm “Sau khi nhận được báo cáo của anh Thắng, lãnh đạo Cục đã ghi ý kiến “Không được sửa”.
Tiếp tục làm rõ biên bản giám định 151, Chủ tọa phiên tòa lần lượt hỏi các cán bộ Hải quan Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành và đều nhận được trả lời: “Bị cáo thấy biên bản khám xét lập ngày 14.3 nhưng kết quả giám định 151 đã có trước đó 2 ngày rồi là vô lý nên hỏi nhưng không có. Do vậy, bị cáo không ký vào biên bản khám xét tại thời điểm đó với tư cách đại diện Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt” - bị cáo Nhi và Thành đã khai như vậy.
Chủ tọa hỏi vị đại diện Cục ĐTCBL có ý kiến gì về lời khai của các bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan về việc có người của Cục ĐTCBL “bắt” bị cáo Thắng phải ghi số liệu khám xét theo con số đã có sẵn tại văn bản 151, vị này nói: “Không biết việc đó”.
Người mua gỗ tang vật đã có mặt từ khi khám xét?
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Cảnh đã thẩm vấn lãnh đạo Cục Hải quan Đà Nẵng và Quảng Trị cùng một câu hỏi: “Với tư cách lãnh đạo Cục Hải quan, vụ nhập khẩu - xuất khẩu gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng trong vụ án này có phải là buôn lậu không?”, các ông Đoàn Xuân Thủy và Lưu Việt Hưng đều khẳng định: Đây không phải là buôn lậu mà là kinh doanh thương mại tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Chủ tọa phiên tòa cũng đã nhắc lại quan điểm của Cục Hải quan Quảng Trị tại văn bản số 1248 ngày 3.10.2014 và nêu câu hỏi: “Cục Hải quan Quảng Trị vẫn giữ quan điểm đó không?”, ông Lưu Việt Hưng nói “Có”.
“Hành vi nhập khẩu, xuất khẩu lô hàng gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng không gây hậu quả về trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, không gây thất thu ngân sách, và điều quan trọng hơn, kết luận điều tra, điều tra bổ sung và cáo trạng chưa chứng minh được hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm của các công chức Hải quan Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng mà đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là vội vàng, tiềm ẩn nguy cơ oan sai rất lớn” - TS Lê Văn Tới - nguyên Cục trưởng Hải quan Quảng Trị - nhấn mạnh như vậy từ tháng 10.2014.
Trả lời HĐXX ngày 14.8, ông Đỗ Danh Thắng công bố một báo cáo của ông tại thời điểm xảy ra vụ việc có nội dung là kết quả khám xét chỉ tìm ra một lượng gỗ không phải là gỗ trắc như tờ khai chỉ gần 19m3 nghi gỗ hương, một tỉ lệ rất nhỏ so với 535m3 gỗ trắc, nên đề nghị cho thông quan, hoặc cũng chỉ tạm giữ số gỗ vi phạm chứ không có lý do gì để tạm giữ toàn bộ lô hàng.
Tuy nhiên, báo cáo đó không được tiếp thu. Cũng trong tài liệu này, ông Thắng cho biết: Ngay từ giai đoạn khám xét lô gỗ tại cảng Đà Nẵng đã xuất hiện 2 người lạ mặt, không có giấy tờ, mang dao vào để chặt các loại gỗ, có người nói đó là “dân gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh); tổ kiểm tra đã phản đối nhưng họ vẫn xuất hiện.
Lời khai này cho thấy sau đó lô gỗ tang vật bị đem bán khi vụ án chưa kết thúc, mà người mua được lô gỗ cũng ở Bắc Ninh có thể mở ra hướng điều tra mới, rằng có phải đã có một kịch bản nào đó về lô gỗ trắc này không?
Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh đã hỏi trở lại đối với ông Trương Huy Liệu - chủ lô gỗ trắc tang vật - rằng có đúng là khi bán đấu giá lô gỗ tang vật họ không thông báo cho ông biết, ông Liệu cam đoan chịu trách nhiệm về lời khai của mình rằng không hề có, không hề biết.
Ngày 14.8.2017, tại phiên xử sơ thẩm lần 3, HĐXX TAND TP.Đà Nẵng tuyên bố trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án này. Theo đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh - Chủ tọa phiên tòa - nêu lên rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nổi bật là: Cùng ngày Cty Ngọc Hưng nhập khẩu 535m3 gỗ trắc có 19 doanh nghiệp khác cùng mở tờ khai nhập qua CKQT Lao Bảo và cùng lô gỗ của Cty Ngọc Hưng bị niêm phong trong kho sau 2 năm đã được giải phóng không phải gỗ buôn lậu; vậy tại sao chỉ lô gỗ 535m3 chở vào cảng Đà Nẵng lại là buôn lậu. Có hay không việc Cục ĐTCBL Tổng cục Hải quan ép cán bộ Hải quan cấp dưới sửa biên bản khám xét? Tại sao việc bán đấu giá lô gỗ tang vật có nhiều bất thường? Tại sao các di thư của một nhân viên Cty Ngọc Hưng tự tử sau nhiều ngày làm việc với cơ quan điều tra bị “mất tích” khó hiểu?...