Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trước thềm cuộc đối đầu quyết định ngày 15/12 giữa hai đội tuyển quốc gia Indonesia và Việt Nam trong khuôn khổ lượt trận thứ ba tại bảng B AFF Suzuki Cup 2020, ngày 13/12, kênh truyền hình CNN của "xứ sở vạn đảo" này đã có bài viết đánh giá các điểm mạnh cũng như nhưng mặt còn hạn chế của các "chiến binh sao vàng."
Bài viết cho rằng Việt Nam là đội mạnh nhất bảng B, hiện sở hữu đội hình khá chắc chắn, đặc biệt ở hàng tiền vệ với Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tuấn Anh.
Việt Nam đang xếp sau Indonesia ở vị trí nhì bảng với 6 điểm. Tuy bằng điểm, song những chú “Chim ưng Garuda” lại vượt trội hơn về hiệu suất ghi bàn. Bản thân Việt Nam đã thể hiện một thế trận chắc chắn trong hai lượt trận vừa qua trước Lào và Malaysia với việc ghi 5 bàn thắng mà không để bị thủng lưới. Đội bóng của huấn luyện viên Park Hang-seo cũng được đánh giá là mạnh về khả năng cầm bóng.
Tuy nhiên, theo CNN Indonesia, nếu nhìn vào 5 trận đấu gần nhất của đội tuyển quốc gia Việt Nam, trong đó có 3 trận đấu cuối của vòng loại thứ ba World Cup 2022, có thể nhận thấy một số điểm hạn chế.
Thứ nhất là hàng hậu vệ còn sơ hở, cụ thể ở vị trí của Đỗ Duy Mạnh và Quế Ngọc Hải. Họ thường xuyên phạm lỗi. Khi bị dồn ép, hai hậu vệ biên của tuyển Việt Nam có xu hướng không thoải mái.
[Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng đậm trước tuyển Malaysia]
Điểm hạn chế thứ hai là việc trống cánh trái và cánh phải. Đội hình tấn công mà các “chiến binh sao vàng” triển khai cho phép Việt Nam chiếm ưu thế trong việc kiểm soát thế trận ở khu vực giữa sân. Các cầu thủ Việt Nam cố gắng hết sức để dồn ép đối thủ khu vực 1/3 giữa sân.
Tuy nhiên, do sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ nên hai bên cánh của tuyển Việt Nam thường trống trải. Đây là điều mà Nhật Bản đã khai thác trong trận đấu ngày 11/11/2021 để ghi bàn.
Việc đánh đồng Nhật Bản với một đội tuyển bóng đá Đông Nam Á là không đúng, song khoảng trống ở hai cánh là tương đối giống nhau. Ví dụ như khi đối đầu với Malaysia hôm 12/12, những pha tấn công nguy hiểm thường được Việt Nam phát động từ đường biên trái và đường biên phải.
Điểm hạn chế thứ ba là việc thủ môn lên cao. Do kiểm soát thế trận vượt trội nên thủ môn của tuyển Việt Nam thường xuyên dâng cao, thiếu tỉnh táo. Bàn thắng của Saudi Arabia vào lưới Việt Nam trong trận đấu ngày 16/11 có thể là một ví dụ về thói quen này.
Khi đối đầu với Lào và Malaysia, thủ môn của Việt Nam gần như không phải vất vả. Trần Nguyên Mạnh không gặp nhiều nguy hiểm khi hàng công của đối phương luôn bị bẻ gãy ở khu vực giữa sân, bằng cách phạm lỗi hoặc phá bóng.
Trần Nguyên Mạnh là thủ môn dự bị của Việt Nam vì thủ môn xuất sắc nhất của Việt Nam đã không thể xuất hiện. Đặng Văn Lâm - hiện là thủ môn của đội Cerezo Osaka (Nhật Bản) - vắng mặt vì đang bình phục chấn thương. Theo CNN Indonesia, điều này cũng có thể là một thiệt thòi của đội tuyển Việt Nam./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)