Chủ tịch ADB Takehiko Nakao

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế trong một nửa thế kỷ qua, song vẫn còn những chương trình nghị sự phát triển chưa hoàn thành. Trong Chiến lược 2030, chúng tôi sẽ kết hợp tài chính, tri thức và quan hệ đối tác để duy trì nỗ lực của mình nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo khổ cùng cực và mở rộng tầm nhìn hướng tới một khu vực thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. 

Những mục tiêu của ADB phù hợp với những cam kết toàn cầu chủ chốt, như các Mục tiêu Phát triển bền vững, Tài chính cho Chương trình nghị sự phát triển, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Xét tới quy mô của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, việc đạt được những cam kết này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thành công của khu vực.

Chiến lược 2030 thừa nhận rằng chương trình nghị sự phát triển toàn cầu đầy tham vọng cần phải được xây dựng phù hợp với những bối cảnh cụ thể của địa phương. ADB sẽ tăng cường cách tiếp cận tập trung vào quốc gia, thúc đẩy sử dụng các công nghệ sáng tạo, và đưa ra những hoạt động can thiệp toàn diện kết hợp chuyên môn trong nhiều lĩnh vực và chủ đề, thông qua sự kết hợp các hoạt động của khu vực nhà nước và tư nhân. 

ADB sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho các quốc gia nghèo nhất và dễ tổn thương nhất của khu vực. ADB sẽ áp dụng những cách tiếp cận khác biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm quốc gia khác nhau: những quốc gia trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi xung đột và dễ đổ vỡ, các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, và các quốc gia thu nhập trung bình cao. Trong các nhóm quốc gia này, ADB cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ các khu vực đang bị tụt hậu, cũng như các vùng nghèo khổ còn tồn tại và dễ đổ vỡ. 

Đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là cơ sở hạ tầng xanh, bền vững, bao trùm và thích ứng vẫn sẽ là một ưu tiên chủ chốt. Đồng thời, ADB sẽ mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, như giáo dục, y tế và an sinh xã hội. 

Hỗ trợ của ADB sẽ tập trung vào bảy hoạt động ưu tiên: giải quyết tình trạng nghèo khổ còn tồn tại và giảm bất bình đẳng; thúc đẩy tiến bộ trong bình đẳng giới; khắc phục biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng thích ứng trước khí hậu và thiên tai, và tăng cường tính bền vững về môi trường; giúp các thành phố trở nên đáng sống hơn; thúc đẩy phát triển nông thôn và an ninh lương thực; tăng cường quản trị nhà nước và năng lực thể chế; và thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực. 

Ít nhất 75% các hoạt động đã cam kết của ADB (tính theo trung bình chu trình 3 năm, gồm cả các hoạt động có và không có bảo lãnh của chính phủ) sẽ thúc đẩy bình đẳng giới vào năm 2030. ADB sẽ bảo đảm rằng tới năm 2030, 75% các hoạt động đã cam kết của mình (tính theo trung bình chu trình 3 năm, gồm cả các hoạt động có và không có bảo lãnh của chính phủ) sẽ hỗ trợ giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tài trợ khí hậu từ nguồn riêng của ADB sẽ đạt tới 80 tỉ đô-la trong giai đoạn từ 2019 tới 2030. Một khung kết quả hoạt động mới. Dự kiến được hoàn thành vào giữa năm 2019 sẽ bao gồm nhiều mục tiêu hơn cho các ưu tiên hoạt động khác của ADB.

Để hỗ trợ bảy ưu tiên hoạt động trong Chiến lược 2030, ADB sẽ mở rộng và đa dạng hóa các nghiệp vụ khu vực tư nhân nhằm đạt chỉ tiêu chiếm 1/3 tổng số các hoạt động vào năm 2024. “Chúng tôi sẽ mở rộng các nghiệp vụ khu vực tư nhân ở những thị trường mới và tiên phong, như các quốc gia trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi xung đột và dễ đổ vỡ và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các quan hệ đối tác công–tư”, ông Nakao chia sẻ. 

Những hoạt động ở khu vực tư nhân của ADB sẽ giúp cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị; cung cấp nguồn tài chính vốn không có sẵn trên thị trường với các điều kiện hợp lý; cải thiện việc thiết kế dự án và các kết quả phát triển; và giảm thiểu những rủi ro đã được nhận biết. Bên cạnh cơ sở hạ tầng đổi mới, các hoạt động này sẽ tăng cường hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các lĩnh vực xã hội như y tế và giáo dục thông qua các doanh nghiệp tư nhân. 

ADB sẽ tiếp tục là một nhà tài trợ và xúc tác tài trợ đáng tin cậy. “Một thước đo chủ chốt đối với thành công của chúng tôi sẽ là khối lượng và chất lượng các nguồn lực bổ sung mà chúng tôi huy động được ngoài nguồn tài trợ của mình”, ông Nakao bổ sung. ADB đặt mục tiêu gia tăng đáng kể nguồn lực đồng tài trợ trong dài hạn tới năm 2030, với mỗi 1 đô-la tài trợ cho các hoạt động ở khu vực tư nhân sẽ đi đôi với 2,50 đô-la đồng tài trợ trong dài hạn.
   
ADB cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên đang phát triển để xây dựng những sản phẩm và dịch vụ tri thức phù hợp nhất. ADB sẽ chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu, cung cấp tư vấn chính sách có chất lượng cao, tăng cường năng lực thể chế của các quốc gia, và mở rộng các quan hệ đối tác tri thức.  

Trong khi nỗ lực để trở nên mạnh hơn, tốt hơn và nhanh hơn, ADB sẽ theo đuổi việc hiện đại hóa toàn diện các quy trình hoạt động thông qua áp dụng thế mạnh của công nghệ hiện có. ADB sẽ mở rộng các sản phẩm và công cụ của mình, tăng cường nguồn nhân lực, và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. ADB cam kết đa dạng hóa lực lượng lao động, gồm cả thúc đẩy cân bằng giới và một môi trường làm việc tôn trọng dành cho mọi người. ADB sẽ thiết lập cách tiếp cận “Một ADB”, gắn kết tri thức và chuyên môn trong toàn bộ tổ chức. ADB sẽ hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình thiết kế, thực hiện và giám sát các dự án.

Trong quá trình xây dựng Chiến lược 2030, các hoạt động tham vấn toàn diện đã được tiến hành với một nhóm đại diện rộng rãi các bên hữu quan trong các quốc gia thành viên ADB, các chuyên gia phát triển hàng đầu, và các tổ chức xã hội dân sự.

ADB cam kết hướng tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, đồng thời duy trì những nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2017, tổng giá trị các hoạt động của ADB đạt 32,2 tỷ USD, bao gồm 11,9 tỷ USD đồng tài trợ. 

 
Tin, ảnh: Mạnh Hùng