Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên dự Hội nghị - Ảnh: Trần Huyền
So với năm 2022, năm nay, Thái Nguyên có sự cải thiện vượt bậc về điểm số, tăng 2,7775 điểm (năm 2022, Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,01 điểm). Qua đó, thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành cũng như sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách hành chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác cải cách thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng.
Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã bãi bỏ 633 thủ tục hành chính không cần thiết, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%. Trong năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 72 quyết định công bố danh mục TTHC với 1240 danh mục, được cập nhật kịp thời, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Công thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đơn vị và tại bộ phận "một cửa" của các cơ quan có thẩm quyền.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, không gian thoáng rộng gần 1.000 m2 được bố trí thành các khu vực có chức năng riêng biệt nhưng vẫn tạo sự kết nối một cách đồng bộ thuận tiện cho người dân đến giao dịch. Máy lấy số xếp hàng được bố trí ngay cửa ra vào để công dân lựa chọn lĩnh vực cần giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống máy tính sẽ tự động thông báo cho công dân khi đến lượt vào làm thủ tục hành chính. Trong khu vực chờ, Trung tâm cũng bố trí các màn hình tra cứu để giúp công dân tìm hiểu về các thủ tục hành chính hiện hành.
Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Năm 2023, 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 15 năm qua, có tới 197.779 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá chỉ số PAPI từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Minh Anh