A koát - biểu tượng độc đáo của văn hóa ẩm thực người Pa Cô 

Biên phòng - A koát là một loại bánh truyền thống của người dân tộc Pa Cô, được sử dụng trong hầu hết những dịp trọng đại của gia đình. Vào những dịp có lễ hội trong năm, a koát được gói dành đãi khách và làm quà tặng cho nhà trai khi có đám cưới. Tới nhà gia đình đồng bào Pa Cô trong dịp Tết, không có nhà nào thiếu loại bánh truyền thống này.
i83x_21a

Chị Hồ Thị Huệ bên khay bánh a koát mới luộc xong. Ảnh: Phạm Hiền

Bánh a koát là biểu tượng của sự no ấm của người Pa Cô ở Quảng Trị. Vì vậy, mùa Xuân năm nào, các gia đình có nhiều bánh a koát để ăn lai rai hết tháng Giêng thì đó là một năm đủ đầy, không thiếu đói lương thực, thực phẩm.

Chị Hồ Thị Huệ, ở thôn A Rong Dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông cùng một số chị em trong thôn vào rừng tìm lá đót, lá dong để mang về gói bánh. Lấy về, chị tất bật rửa lá, rồi gọi chị em tập trung tại nhà dài của đồng bào Pa Cô để cùng gói bánh. Chị tự tay gói được 34 chiếc bánh a koát. Hình dáng chiếc bánh giống như chiếc sừng trâu/dê rất đẹp mắt.

Chị Huệ cho biết, đây là loại bánh truyền thống của người Pa Cô được làm từ gạo nếp, gói trong lá đót tươi. Khi làm bánh a koát, người Pa Cô không ngâm gạo nếp trước khi gói mà chỉ đãi gạo sạch rồi gói luôn. Bánh cũng không có nhân đậu xanh, thịt mỡ, hành mà chỉ hoàn toàn là gạo nếp. Vì vậy, bánh a koát không có vị giống như bánh chưng mà dẻo thơm, mùi nếp ăn không ngán.

Phụ nữ Pa Cô thường dùng gạo nếp, loại được trồng nhiều trong các nương rẫy của đồng bào vùng cao Quảng Trị để làm bánh. Khi gói bánh, chị em thường cầm ngửa lá đót, rồi quấn ngọn hoặc gốc lá đót vòng quanh ngón tay cái hai vòng để tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược, bốc nếp bỏ vào cho đầy, rồi quấn phần gốc hoặc ngọn còn lại của lá đót thành chóp thứ hai.

Bánh gói xong được ngâm vào nước lạnh khoảng 2 giờ để nếp nở ra, mềm hơn và mau chín. Sau đó, vớt bánh cho vào nồi, đổ ngập nước, nấu 2-3 giờ là có thể ăn được. Bí quyết về sự dẻo thơm của bánh a koát ở cách chọn gạo nếp, chọn lá và thời gian ngâm nước, đun sôi nấu bánh của những người phụ nữ Pa Cô đảm đang, khéo léo...

Những người phụ nữ Pa Cô gói bánh giỏi còn có thể gói bánh a koát có 3 chóp, phỏng theo hình ảnh con trâu có đủ thân hình và đôi sừng rất đẹp (a koát theo tiếng Pa Cô nghĩa là con trâu). Biểu tượng trâu luôn đi kèm trong cuộc sống của người Pa Cô, gắn với việc trồng trọt, chăn nuôi, là con vật hiền lành, đem lại may mắn, ước vọng về sự no ấm, phồn thịnh. Hơn thế nữa, con trâu của người Pa Cô còn là vật tế thần, biểu tượng về ý niệm tâm linh của họ. Vì vậy, bánh a koát thường không thể thiếu trong mâm cơm cúng lễ, Tết.

Ngoài những dịp trọng đại như đám cưới, lễ, Tết chính như lễ mừng năm mới, mừng lúa mới, tạ ơn trời đất, người Pa Cô còn gói bánh a koát trong một số dịp khác như cúng ông bà tổ tiên, lễ cúng dòng họ... Trong không gian quy tụ, sum họp ấy, bánh được trang trọng xuất hiện trên mâm cỗ cùng với cơm trắng, xôi, gà, heo, vịt, dê...

Sau khi cúng xong, người Pa Cô thường ăn bánh cùng với một số món chấm như nước mắm hoặc muối dằm ớt xanh. Từng miếng bánh dẻo sóng sánh ánh màu vàng mật ong, thoảng mùi nếp, mùi lá mới với những bùi bùi, ngon, ngọt, đậm đà, cay nồng... hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đủ đầy, độc đáo, thơm ngon đầy chất hoang dã riêng có của núi rừng.

Phạm Hiền

433 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 525
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 525
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77389619