Dường như cảnh vật cũng muốn hòa vào niềm phấn khởi với đông đảo đồng bào ở vùng cao này khi một bộ phận không nhỏ người dân chính thức khép lại thân phận "không quốc tịch" trên chính quê hương mình.
|
Người dân làm thủ tục trong ngày được nhận Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
|
Trung tuần tháng 12-2018 vừa qua, thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ trao Quyết định cho nhập Quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước đến 119 người di cư tự do và kết hôn không giá thú đang cư trú xã A Dơi (H.Hướng Hóa), địa bàn tập trung số lượng lớn người "không quốc tịch" dọc tuyến biên giới Quảng Trị. Anh Hồ Văn Ma, người tự hào có tên trong danh sách đợt 1 này vẫn không ngừng nhắc đến ngày trọng đại ấy. "Chưa có khi mô vui như rứa, phấn khởi như rứa. Đây là dấu mốc thay đổi cuộc đời, đặc biệt là con em của nhiều người dân địa phương hai bên biên giới", anh Ma bộc bạch. Được biết, số người dân di cư từ Lào sang và kết hôn không giá thú sống rải rác dọc vùng biên Quảng Trị (được xác định trên 850 người) đều là người dân tộc Vân Kiều-Pa Cô. Trước khi thực hiện hoạch định biên giới giữa 2 nước Việt-Lào vào những năm cuối thập niên 1970, họ sống trên phần đất Việt Nam, sau hoạch định, phần đất thuộc nước bạn Lào. Được một thời gian, nhiều người di cư về lại bản làng Việt Nam để được gần dòng tộc, người thân. Từ đó họ phải sống cảnh không quốc tịch, không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Con cái họ lớn lên, lập gia đình, rơi vào cảnh kết hôn không giá thú. Cái vòng luẩn quẩn đó kéo theo những éo le trong cuộc sống. "Không hộ khẩu, không CMND nên không thể kết hôn, không khai sinh được cho con, may mà địa phương tạo điều kiện để các cháu được học hành nhưng không thể lên được cấp 3. Vì không phải công dân Việt Nam nên mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ muốn thực hiện cũng không được, đó là thiệt thòi lớn. Ngay như mua xe máy về đó nhưng có học được bằng lái mô, vi phạm Luật giao thông là lòi đủ thứ... ", anh Hồ Ven bày tỏ.
|
Bà con xúc động khi được trao Quyết định được cho nhập quốc tịch Việt Nam.
|
Chia sẻ của anh Hồ Ven khiến chúng tôi còn nhớ lại câu chuyện éo le liên quan đến một số trường hợp "không quốc tịch" có hành vi phạm tội bị cơ quan chức năng Quảng Trị xử lý gần đây. Tuy các vụ án đều có tình tiết đơn giản, mức hình phạt nhẹ, thuộc xử lý cấp huyện nhưng đành phải chuyển lên tỉnh, quá trình giải quyết cũng phát sinh một số thủ tục để làm rõ nhân thân bị can. Như vụ án P.L (trú xã A Dơi) phạm tội trộm cắp tài sản xảy ra vào năm 2017. Cụ thể, khi ngang qua nhà người dân, L. và một số thanh niên thấy bầy dê đang ở sân liền trộm lấy 2 con. Cung cấp thông tin nhân thân, L. khai sinh năm 1995 nhưng do không có giấy tờ chứng minh điều đó nên cơ quan chức năng phải thực hiện giám định để xác định độ tuổi của L. CA tỉnh Quảng Trị đã phải trưng cầu Phân viện Khoa học Hình sự Bộ CA tại Đà Nẵng giám định để xác định độ tuổi của L. Qua nhiều ngày khám chuyên khoa, Phân viện Khoa học Hình sự Bộ CA xác định độ tuổi của L. khoảng 19 đến 23 tuổi. Cũng qua thu thập thêm tư liệu phản ánh, CQĐT có cơ sở khẳng định L. sinh năm 1995. Hay như vụ của H.V (cũng trú A Dơi) vi phạm quy định điều khiển phương tiện đường bộ. Sau khi gây tai nạn, V. không biết nạn nhân bị chấn thương nặng nên sang Lào làm ăn, nhiều tháng sau mới quay về. V. thuộc trường hợp không quốc tịch và cũng được giám định để xác định tuổi như L., kết luận đến thời điểm giám định độ tuổi từ 19 đến 23. Từ đây nhận định việc gây án có thể diễn ra khi V. chưa đủ tuổi thành niên, là tình tiết để xem xét giảm nhẹ cho V...
Trao đổi với anh Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi về tình hình người "không quốc tịch" trên địa bàn, được biết còn hơn 150 trường hợp khác đang chờ đợi được cho nhập quốc tịch Việt Nam. Những "chuyển động" sau khi sự kiện trao quốc tịch là người dân sẽ được làm hộ khẩu, CMND và hưởng đầy đủ những quyền lợi, nghĩa vụ pháp luật quy định. Anh Thăng cũng cho hay, những hộ dân vừa được nhập quốc tịch đều khó khăn, nếu tiến hành xếp loại thì cũng gần như... lọt vô danh sách hộ nghèo. Tuy nhiên, vị lãnh đạo xã trẻ này rất tin tưởng bà con sau khi được tháo gỡ những vướng mắc về quốc tịch, được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ ắt hẳn có động lực lớn, phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương bản làng, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Chúng tôi cũng tin vào điều này khi được chính bà con chia sẻ đầy phấn khởi, hào hứng về những dự định mới. Nói như già bản A Dỗ, người vừa được nhập tịch sau 20 năm sống tại A Dơi là "đổi đời từ đây".
BẢO HÀ