Họp báo thông tin về kết quả triển khai các dịch vụ
thuế điện tử phục vụ người nộp thuế. (Ảnh: M.P)
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Những năm qua, ngành thuế đã triển khai rất nhiều dịch vụ điện tử hỗ trợ cho doanh nghiệp như dịch vụ khai thuế qua mạng Internet, dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến nay đã có 99,81% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và 98,71% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.
Ngành thuế đã triển khai mở rộng các dịch vụ điện tử phục vụ người nộp thuế như: thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử (sau đây gọi tắt là hoàn thuế điện tử); triển khai cho các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt, ngành thuế chú trọng mở rộng các dịch vụ hướng tới đối tượng nộp thuế là cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về thuế hiện nay chưa có dịch vụ hỗ trợ khai và nộp thuế điện tử, đó là việc triển khai dịch vụ khai, nộp thuế điện tử với cá nhân có nhà cho thuê.
Cụ thể, dịch vụ hoàn thuế điện tử đã có 6.800 doanh nghiệp đăng ký tham gia và đã giải quyết 3.610 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử với tổng số tiền thuế được hoàn theo phương thức điện tử là 20.282 tỷ đồng. Qua báo cáo của cơ quan thuế địa phương cũng như phản hồi của người nộp thuế sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử thì về cơ bản, hoàn thuế điện tử đã tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, như giúp cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu liên quan đến hồ sơ hoàn thuế một cách đầy đủ và kịp thời, cơ sở dữ liệu về hoàn thuế sẽ được liên kết với các dữ liệu điện tử khác mà cơ quan thuế đang quản lý.
Bên cạnh những lợi ích đạt được từ việc triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử, vẫn còn những khó khăn như: một số người nộp thuế còn khai chưa chính xác số tài khoản ngân hàng khi lập hồ sơ đề nghị hoàn so với số tài khoản đã đăng ký với cơ quan thuế, dẫn đến việc hồ sơ đề nghị hoàn thuế không được nhận vào hệ thống ứng dụng của cơ quan thuế; đối với trường hợp hồ sơ tài liệu gửi kèm theo, gửi bổ sung có số lượng lớn thì người nộp thuế phải gửi nhiều lần do giới hạn của ứng dụng hoàn thuế điện tử. Đối với những tồn tại này, cơ quan thuế cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế cũng như tiếp tục nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế.
Về hóa đơn điện tử, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, do hóa đơn điện tử là hình thức hoá đơn mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm cho một số doanh nghiệp lớn. Theo đó, Tổng cục Thuế đã lựa chọn một số doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực điện lực, viễn thông, hàng không… để tham gia triển khai thí điểm hoá đơn điện tử như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)...
“Đến nay, các doanh nghiệp thí điểm đã triển khai thành công, được khách hàng chấp thuận, mang lại hiệu quả thiết thực về thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp; qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đại Trí nói.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, đến nay, cả nước có khoảng trên 2.700 doanh nghiệp thực hiện hoá đơn điện tử với số lượng hoá đơn điện tử đã sử dụng khoảng gần 400 triệu hoá đơn. Cơ bản các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và là các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, qua quá trình thực hiện hóa đơn điện tử có thể nhận thấy việc sử dụng loại hình hóa đơn này mang lại lợi ích rất lớn cho người bán hàng, người mua hàng, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước... Việc sử dụng hóa đơn điện tử có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội như giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in; chi phí chuyển hóa đơn, lưu trữ hóa đơn; không cần không gian lưu trữ hóa đơn…); tạo sự yên tâm cho người mua bằng việc có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật để đẩy mạnh và mở rộng đối tượng thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực theo hướng bắt buộc trên diện rộng. Được biết, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định 51/2013/NĐ-CP về hóa đơn để có các quy định phù hợp với việc mở rộng hóa đơn điện tử./.
Minh Phương