|
Chỉ số sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng. Ảnh: TTXVN |
Trong quý III/2019, có 89,4% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với quý II/2019. Cụ thể, có 53,1% doanh nghiệp dự báo tăng và 36,3% doanh nghiệp giữ ổn định; trong khi đó, chỉ có 10,6% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Cùng với xu hướng tăng ở quý III, có 91,9% doanh nghiệp lạc quan cho rằng, 6 tháng cuối năm 2019, khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm 2019 (trong đó, 58,6% doanh nghiệp dự báo tăng và 33,3% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên), chỉ có 8,1% dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả quan nhất với 91,1% dự báo tăng và giữ ổn định; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 88,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất nhưng vẫn khá cao với 87,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định.
Cùng chung xu hướng, dự báo 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2019, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo khả quan với 93,1% doanh nghiệp có khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 91,6% và doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ 90,6%.
Về chi phí sản xuất, dự báo quý III/2019 so với quý II/2019, có 90,7% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (có 20,6% doanh nghiệp dự báo tăng, 70,1% doanh nghiệp dự báo giữ ổn định), có 9,3% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.
Theo đó, các ngành dự báo chi phí sản xuất quý III/2019 giảm so với quý II/2019 gồm: sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 14,2%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy 12,5%; sản xuất xe có động cơ 12,1%; sản xuất thiết bị điện 11,5%...
Về đơn đặt hàng, có 89,7% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới tăng và giữ ổn định so với quý II (có 47,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 41,8% giữ ổn định); có 10,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.
Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn ở 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2019 với 91,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định (54,1% doanh nghiệp dự báo tăng và 37,8% dự báo giữ ổn định), có 8,1% dự báo giảm.
Theo đó, các ngành có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới 6 tháng cuối năm tăng so với 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt gồm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 64%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 62,3%; sản xuất trang phục 61,2%; sản xuất xe có động cơ 58,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 57,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 57,3%;...
(Theo TTXVN)