|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự, chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Phát hiện, xử lý 90.000 vụ vi phạm
Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2019, cơ quan này đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018), giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, năm 2019, lực lượng QLTT đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.
Trong đó, có một số vụ việc nổi bật như: 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TPHCM; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình.
“Vụ việc 2 xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội ngày 30/12/2019 là vụ việc tiêu biểu bởi đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Số lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc này nếu lưu thông trong thị trường sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hoạt động buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt. Qua đó, đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn.
“Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại Quận 6, TPHCM phát hiện lượng lớn hàng hóa giả nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như: Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci và hàng trăm nghìn nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng này tại Hà Nội...”, ông Linh cho hay.
Chưa tương xứng với thực tế phức tạp
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng ông Trần Hữu Linh vẫn thừa nhận: Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn.
“Một số hạn chế cần phải nêu đó là: Công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường còn bị động; năng lực và trình độ chuyên môn của công chức QLTT ở một số đơn vị chưa đồng đều, còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả”, ông Linh nhìn nhận.
Thêm vào đó, chi phí giám định cao, thời gian giám định dài ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành… trong khi nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế là khó khăn đối với công tác kiểm tra, kiểm soát.
Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của lực lượng QLTT còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều Đội QLTT vẫn phải thuê hoặc mượn trụ sở làm việc, không có đủ phương tiện làm việc… Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.
Đặc biệt, do mới chuyển sang mô hình Tổng cục nên ông Trần Hữu Linh cũng chia sẻ khó khăn về công tác kiện toàn nhân sự của Tổng cục liên quan đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước như: Quy định về tuổi bổ nhiệm, trình độ chính trị, trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch công chức. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự đã gây ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức, nhất là công chức lãnh đạo quá tuổi bổ nhiệm theo quy định.
Dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, Tổng Cục trưởng cho biết, năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục QLTT kiến nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.
Cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng để tái đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính; theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản quy định liên quan đảm bảo phù hợp.
Phan Trang