Đặc biệt chú ý Lào, Campuchia và Đông Timor đã hoàn vốn đầu tư. Tại các quốc gia này, thương hiệu của Viettel đứng số một về mạng lưới viễn thông, thu về gấp 4-5 lần giá trị đầu tư.
Hai thị trường còn lỗ kế hoạch là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương ngày 09/6/2018), song đều có tốc độ tăng trưởng tốt.
Thị trường của Mytel đang phát triển với tốc độ nhanh (Ảnh: Thúy Mai)
Năm 2017, Tanzania có tăng trưởng doanh thu 35%. Mytel - mạng di động của Viettel tại Myanmar vừa vượt mốc một triệu thuê bao chỉ sau 10 ngày khai trương.
Với Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), lợi nhuận gộp Quý I/2018 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, lãi hợp nhất đạt 14 tỷ đồng.
"Việc nhiều thị trường kinh doanh có lãi nhưng lợi nhuận hợp nhất của Viettel Global chưa cao là do các đầu tư sau có quy mô lớn hơn trước đó nhiều nên lợi nhuận từ các thị trường trước chưa đủ để bù lại các khoản đầu tư ban đầu rất lớn", đại diện Viettel nói.
Khác biệt về điều kiện tự nhiên, diện tích, dân số... là lý giải chính cho việc không đồng đều kết quả kinh doanh tại các thị trường. Cụ thể, Tanzania, Cameroon và Myanmar diện tích gấp 3 lần Lào, Campuchia, Đông Timor, Haiti, Mozambique và dân số cũng gấp 2,1 lần. Trong khi Peru là thị trường nước ngoài có lợi nhuận lớn nhất nhưng chưa được tính vào kết quả của Viettel Global do quy định của Chính phủ nước này yêu cầu Tập đoàn phải đứng tên chủ đầu tư.
Thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông, để đạt điểm hoà vốn kể từ khi chính thức khai trương cần tối thiểu từ 4 đến 5 năm (các thị trường có mức độ cạnh tranh cao). "Trong khi đó, Viettel đặt mục tiêu chỉ là 3 năm phải có lãi và phần lớn các thị trường của chúng tôi đều đã hoàn thành", phía Tập đoàn nhấn mạnh.
Với 10 thị trường nước ngoài, Viettel hiện nằm trong Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao và Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu./.
Anh Tuấn