Theo Tổng cục Thống kê phân tích, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng tăng mạnh, đạt 12,7 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 90.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,7 tỷ đồng, tăng 26,6%.
Nếu tính cả 1,6 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2019 là 2,7 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 25.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên gần 116.000 doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm nay là 832.300 người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo khu vực kinh tế, trong 8 tháng năm nay có 1.300 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 24.500 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27%; có 64.700 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,6%.
Trong đó, phần lớn các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể 11.600 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,8%), tăng 0,8%; 11.500 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 5,4%; 7.600 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,4%), tăng 14,2%... Có 4 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 29.500 doanh nghiệp (chiếm 32,6%), giảm 0,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 4.300 doanh nghiệp (chiếm 4,8%), giảm 5,7%; vận tải, kho bãi có 3.800 doanh nghiệp (chiếm 4,2%), giảm 1,1%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 960 doanh nghiệp (chiếm 1,1%), giảm 20,2%.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 8 tháng năm nay là 20.100 doanh nghiệp, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lĩnh vực hoạt động, có 7.800 doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 38,8%), giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; có 2.900 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,5%), giảm 10,6%; có 2.600 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), giảm 4,7%; có 1.200 doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 5,9%), giảm 10,7%; có 1.000 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5%), giảm 13,2%...
Trong 8 tháng năm nay còn có 25.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 11.400 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, chiếm 44,4% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 8.800 doanh nghiệp, chiếm 34,2% và 5.500 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 21,4%.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng năm 2019 là 10.600 doanh nghiệp, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 9.500 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,3% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 14%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.300 doanh nghiệp (chiếm 40,4%), tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.100 doanh nghiệp (chiếm 10,8%), giảm 10,6%; xây dựng có hơn 1.000 doanh nghiệp (chiếm 9,8%), tăng 4,2%.
Cơ quan thống kê nhận định, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng giảm so với tháng trước và so với cùng năm trước do tháng 8/2019 trùng với tháng 7 âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh.
Trong tháng 8/2019, cả nước có 11.177 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 8,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 20,1%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 88.300 người, giảm 6,9%.
Trong tháng, cả nước còn có 1.587 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 41% so với tháng trước; 1.200 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 52%; có 2.096 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 15,2%; có 1.295 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9,7%.
Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên có các chỉ đạo về cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính cũng như tạo thuận lợi về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Mới đây, tại một Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp như: đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính; hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, NHNN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD; duy trì và nâng cao chỉ số hoạt động thông tin tín dụng cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện thường xuyên chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trong đó đi sâu vào từng chuyên đề, lĩnh vực, ngành hàng riêng để mang lại hiệu quả cao hơn.
Anh Minh