8 tháng qua, kinh tế gặp khó vì diễn biến dịch bệnh phức tạp 

(ĐCSVN) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến và tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi giá trị, gây nhiều khó khăn trong phát triển các ngành sản xuất nói riêng và kinh tế nói chung.

 

Chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông-lâm nghiệp và thủy sản bị gián đoạn

 Infographic sản xuất nông nghiệp 8 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 8 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Các địa phương trên cả nước tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Cụ thể, tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.409,1 nghìn ha lúa mùa, bằng 98% cùng kỳ năm 2020. Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.955,9 nghìn ha, tăng 10,8 nghìn ha so với vụ hè thu 2020. Tính đến trung tuần tháng 8, cả nước thu hoạch được 999,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 51,1% diện tích gieo cấy và bằng 97,9% cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến ngày 15/8, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 817,5 nghìn ha ngô, bằng 99% cùng kỳ 2020; 85,3 nghìn ha khoai lang, bằng 93,6%; 155,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 35,8 nghìn ha đậu tương, bằng 92,6%; 958,6 nghìn ha rau đậu, bằng 100,5%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định, dịch viêm da nổi cục đang dần được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao. Ước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021, tổng số trâu của cả nước giảm 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 1,8%; tổng số lợn tăng 4,5%; số gia cầm tăng 4,2%.

Tính đến ngày 25/8/2021, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch lở mồn long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Lạng Sơn, Nghệ An, Đắk Lắk; dịch tả lợn châu Phi còn ở 29 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 36 địa phương chưa qua 21 ngày.

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 8/2021 ước tính đạt 19,9 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 143,4 nghìn ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ 2020.

Sản lượng thủy sản tháng 8 ước tính đạt 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ 2020, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 443,8 nghìn tấn, giảm 4,1%; sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 357,6 nghìn tấn, giảm 0,8%. Tính chung 8 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.692,5 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020.

  Infographic tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề

Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ 2020.

Điểm sáng hiếm hoi lạc quan trong bối cảnh ảm đạm này là vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu tính cả 1.539,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

  Infographic vốn đầu tư 8 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Dịch bệnh cùng giãn cách làm giảm các nguồn vốn đầu tư

Nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng 8 giảm 7,1% so với tháng 7, giảm 24,7% so với cùng kỳ 2020. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/8/2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 16,3%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 8 tháng năm 2021 đạt 10 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,4 triệu USD/dự án).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ 2020. Đáng mừng là, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2020.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 có 40 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ 2020; có 13 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ 2020. Tính riêng lẻ, có sự suy giảm vì giãn cách kéo dài trong 2 tháng 7&8, nhưng tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 575 triệu USD, tăng 74,1% so với cùng kỳ 2020.

Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch không tránh khỏi tác động

  Infographic vận tải và khách du lịch 8 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tổng cục Thống kê đánh giá, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại, vận tải và du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Vận tải hành khách tháng 8 giảm 35,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 37,1% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11% về sản lượng vận chuyển và giảm 8,6% về sản lượng luân chuyển. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 9,3 nghìn lượt người, giảm 43% so với cùng kỳ 2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 7/2021 đạt 27,86 tỷ USD. Ước tính tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%. Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%).

8 tháng năm 2021, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ 2020. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 7/2021 đạt 29,11 tỷ USD. Ước tính tháng 8/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ 2020, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%. Trong 8 tháng năm 2021 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

  Infographic bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và xuất nhập khẩu 8 tháng 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Cũng 8 tháng qua, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ 2020. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 34,6 tỷ USD, tăng 20,5%. Thị trường ASEAN đạt 28,2 tỷ USD, tăng 47,4%. Nhật Bản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 13,7%. Thị trường EU đạt 11 tỷ USD, tăng 17,1%. Hoa Kỳ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 7 nhập siêu 1,25 tỷ USD; 7 tháng nhập siêu 2,41 tỷ USD; tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD.

Vận tải hành khách tháng 8 ước tính đạt 60,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 75,9% so với cùng kỳ 2020 và luân chuyển 2 tỷ lượt khách.km, giảm 80,3%. Tính chung 8 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.926,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 18,8% so với cùng kỳ 2020. Vận tải hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 91,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 39,3% so với cùng kỳ 2020 và luân chuyển 21,1 tỷ tấn.km, giảm 21,8%. Tính chung 8 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 1.069,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 3,5% so với cùng kỳ 2020.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 ước tính đạt 9,3 nghìn lượt người, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 43% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 105 nghìn lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ 2020.

Nhìn chung, dịch bệnh với biến thể Delta đang gây ra những tác động khó lường, điều quan trọng bây giờ là tập trung phủ rộng diện tiêm phòng vắc-xin và triển khai theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc “sống chung với dịch bệnh” – giải pháp ứng phó mới phù hợp với diễn biến thực tiễn mới của dịch bệnh hiện nay./.

 
Lê Anh
458 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 345
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 345
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88615115