Sáng 14/6, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tọa đàm “Hiểm họa của ma túy và hành động của chúng ta”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động và Thương binh - Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Trọng Đàm cho biết, vấn đề sử dụng ma túy, lạm dụng ma túy trong nước có chiều hướng gia tăng với thống kê hơn 200.000 người nghiện. Đáng chú ý, đây chỉ là phần đếm được, là phần nổi của tảng băng chìm.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, người sử dụng ma túy tập trung ở lứa tuổi thanh niên dưới 35 tuổi, có 8% người nghiện ma túy ở tuổi vị thành niên, học sinh. Hiện có 70% số xã trên cả nước có người nghiện ma túy. Nhiều vùng nông thôn bình yên trước đây đã không còn bình yên vì người nghiện ma túy, cuộc sống của người dân vì thế cũng có nhiều bất an.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng lưu ý, số người nghiện sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng theo chiều hướng của hoạt động buôn bán. Ma túy đá có nguy hại hơn rất nhiều so với các loại ma túy khác. Các trọng án đều dính dáng, có nguồn gốc từ sử dụng ma túy. Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy, lạm dụng sử dụng ma túy hết sức gay go, phức tạp.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh để cai nghiện hiệu quả, cần nhất là nhận thức, nghị lực và sự quyết tâm của bản thân người nghiện cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ của gia đình và xã hội. Do đó rất cần thay đổi cách nhìn của xã hội đối với những người sử dụng ma túy. “Nếu chúng ta kỳ thị, phân biệt đối xử, xa lánh đối với người sử dụng ma túy thì tất cả những nỗ lực của họ sẽ không đạt được. Vì vậy, chúng ta cần đùm bọc, cưu mang chia sẻ, hỗ trợ họ thiết thực thì đó là giải pháp thúc đẩy quyết tâm, nghị lực của họ” – Thứ trưởng nói.
Được biết, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, khắc phục những tồn tại, ngày 27-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020..
Theo báo cáo tại tọa đàm, việc thực hiện Đề án cũng cho thấy còn một số tồn tại như: Việc phê duyệt Đề án chuyển đổi đã được triển khai tuy nhiên chất lượng các dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghiện. Việc quản lý người nghiện tại các cơ sở cai nghiện nói chung và cai nghiện tự nguyện nói riêng còn mang tính mệnh lệnh hành chính; điều kiện sinh hoạt (ăn, ở) còn hạn chế; chất lượng các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý hành vi chưa cao... Một số địa phương khi thẩm định Đề án chuyển đổi cơ sở cai nghiện, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp không đồng ý vì cho rằng chưa có đủ căn cứ pháp lý; nếu đổi tên thì các chế độ chính sách đối với cán bộ không được hưởng như trước khi chuyển đổi.
Về phương hướng thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền thống nhất quan điểm nghiện ma túy là bệnh mãn tính, cai nghiện là thực hiện đồng bộ các can thiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người nghiện. Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện.../.
Minh Duyên