7 trường đại học Việt Nam lọt top 500 các trường Châu Á 

(ĐCSVN) - Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) (Anh) vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường đại học hàng đầu Châu Á. Theo đó, Việt Nam có thêm 1 trường ĐH lọt vào top 500 Châu Á, nâng số lượng trường của Việt Nam lọt top này lên 7 trường.

 

 Theo Bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019, ĐH Quốc gia Hà Nội
xếp thứ nhất trong các trường ĐH Việt Nam. Ảnh: TL

Cụ thể, 7 trường ĐH gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong 92 trường mới xuất hiện trên bảng xếp hạng QS Asia năm nay. Trong năm đầu tiên tham gia, trường đã được xếp vào nhóm 291-300.

ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong các trường ĐH Việt Nam; tiếp theo là ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Cần Thơ; ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.

So với năm 2018, hai trường của Việt Nam tăng hạng rõ rệt, đó là: ĐH Quốc gia Hà Nội từ vị trí 139 lên 124, tăng 15 bậc. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ vị trí 261 lên 270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh giảm 2 bậc so với năm ngoái; Trường ĐH Cần Thơ từ nhóm 301-350  xuống nhóm 351-400. Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cũng tụt hạng. ĐH Huế từ nhóm 351-400 xuống nhóm 451-500; ĐH Đà Nẵng năm ngoái trên 400, năm nay xuông nhóm 451-500.

Bảng xếp hạng QS Asia 2019 dựa trên 11 tiêu chí, gồm: đánh giá của các nhà tuyển dụng, các nhà khoa học, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, số bài báo và trích dẫn theo cơ sở dữ liệu của Scopus, giảng viên và sinh viên quốc tế, trao đổi sinh viên Việt Nam và quốc tế, mạng lưới nghiên cứu quốc tế. Trong đó, tiêu chí về mạng lưới nghiên cứu quốc tế lần đầu được QS đưa vào.

Đánh giá trước thông tin này, TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Từ các kết quả như vậy, có thể thấy các trường ĐH Việt Nam đang có bước tiến tích cực trong quá trình hội nhập. Xếp hạng là một trong nhiều cách tiếp cận và đánh giá chất lượng giáo dục ĐH theo nguyên tắc đối sánh (benchmarking). Mỗi bảng xếp hạng đều có hệ thống tiêu chí đánh giá riêng.

Hệ thống xếp hạng của QS chú trọng vào đánh giá và phản hồi của cộng đồng đối với chất lượng đào tạo, nghiên cứu, cùng các đánh giá về năng lực hội nhập quốc tế, năng lực khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục ĐH.

Sự tham gia ngày càng nhiều của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam vào các bảng xếp hạng là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các trường ĐH đã có những định hướng phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, đã có những thay đổi tích cực về chất trong đào tạo, nghiên cứu để tiếp cận trình độ của khu vực.

Cũng theo TS. Nghiêm Xuân Huy, thông qua việc tham gia vào các bảng xếp hạng, các trường ĐH nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của mình ở một số khía cạnh quan trọng (chẳng hạn như uy tín cộng đồng, năng lực nghiên cứu và đào tạo, năng lực quốc tế hóa) trong tương quan với các trường trong khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục sẽ có những sự điều chỉnh phù hợp để vừa nâng cao chất lượng hoạt động nội tại, vừa từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học./.

Mỹ Anh

445 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1014
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1014
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87207489