60 nhà nhập khẩu giày dép Hoa Kỳ giao thương trực tuyến với DN Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Đây là kế hoạch thuộc chương trình hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ với Hiệp hội các nhà Phân phối và Bán lẻ Giày dép Hoa Kỳ (FDRA) trong khuôn khổ “Hội nghị giao thương trực tuyến: Xúc tiến thương mại Giày dép Việt Nam - Hoa Kỳ hậu COVID-19”, diễn ra từ ngày 28 – 30/5/2020.

 

Hội nghị là sự kiện giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực giày dép của Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ

Tại hội nghị giao thương, 2 bên sẽ cập nhật tình hình thị trường giày dép Hoa Kỳ trong bối cảnh dịch COVID-19 và đánh giá triển vọng thời gian tới cũng như cách thích ứng trong bối cảnh mới. Giới thiệu định hướng chính sách phía Việt Nam nhằm phát triển ngành giày dép và thúc đẩy hoạt động giao thương trong lĩnh vực giày dép với thị trường Hoa Kỳ, vốn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của sản phẩm giày dép Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới sau dịch bệnh được kiểm soát ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Tạo cơ hội giới thiệu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực giày dép.

Giày dép là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019 được xem là năm thành công của xuất khẩu giày dép khi kim ngạch đạt 18,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 6,65 tỷ USD, tăng 14,2%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2020, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường số 1 nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,56 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù xuất khẩu giày dép sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng trong quý I năm nay nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý II và quý III/2020 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại Hoa Kỳ trên đà suy giảm. Không chỉ giảm đơn hàng, nhiều đối tác còn đột ngột dừng đơn hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Đến nay, Việt Nam đã chứng tỏ được với quốc tế về sự thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Nhiều chuyên gia dự báo, sau khi khống chế được dịch COVID-19 nhu cầu mặt hàng giày dép tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp giày dép cần thúc đẩy xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ.

Thông qua hội nghị giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác xúc tiến thương mại vì lợi ích của doanh nghiệp đôi bên, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp an toàn vượt qua đại dịch, chuẩn bị sẵn lực lượng ứng phó nhanh với các diễn biến thương mại, diễn biến thị trường sau khi dịch COVID-19 kết thúc, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.

Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng không vì dịch bệnh mà hoạt động giao thương bị gián đoạn. Chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2020, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương trực tuyến với các thị trường: Vân Nam, Chiết Giang, Trùng Khánh – Trung Quốc; Ấn Độ. Thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế, bên cạnh hình thức xúc tiến thương mại truyền thống, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tổ chức các hoạt động giao thương với nhiều thị trường: Trung Quốc, Singapore...

Thông tin chi tiết về Hội nghị giao thương trực tuyến: Xúc tiến thương mại Giày dép Việt Nam - Hoa Kỳ hậu COVID-19”, doanh nghiệp có thể liên hệ: Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại); Địa chỉ: Tầng 7, 20 Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 024 39364792 (máy lẻ: 111 hoặc 117). Doanh nghiệp liên hệ với địa chỉ trên để đăng ký tham gia Hội nghị hoặc đăng ký tham gia phiên giao thương.

KL

218 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 432
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 432
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87842340