60% doanh nghiệp xuất nhập khẩu được ‘gắn thẻ’ xanh 

(Chinhphu.vn) - Tỷ lệ phân luồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện tại đang là luồng xanh-miễn kiểm tra hồ sơ hàng hoá chiếm đa số với 60%, vàng 35%, đỏ 5%, đây là tỷ lệ phù hợp với thông lệ quốc tế và tương đồng với các quốc gia khác.

 

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Thu Lê

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) phối hợp cùng Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 4/12, tại Hà Nội.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, phương pháp quản lý rủi ro đã được ngành hải quan áp dụng từ lâu và cũng là biện pháp hầu hết các nước tiên tiến đang làm, được đánh giá là phương pháp tối ưu hoá nguồn ngân lực, triển khai hiệu quả công tác quản lý kiểm tra kiểm soát.

Với phương pháp này, cơ quan kiểm tra không kiểm tra tất cả các giao dịch mà dựa trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật để phân loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Tỷ lệ phân luồng hiện tại đang là luồng xanh- miễn kiểm tra hồ sơ hàng hoá chiếm đa số với 60%, vàng 35%, đỏ 5%, đây là tỷ lệ phù hợp với thông lệ quốc tế”.

“Tuy nhiên, thực hiện rà soát theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành công khai phương pháp quản lý, đồng thời tăng tính minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp biết được việc đánh giá, quản lý được thực hiện như thế nào, Tổng cục Hải quan đang soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá”, ông Cường cho biết.

Theo đó, hiện ngành hải quan đang đánh giá, phân loại các doanh nghiệp thành 3 loại, phân thành 7 hạng, dự kiến sẽ phân thành 4 loại: Tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ.

Trên cơ sở đó, sẽ áp dụng những ưu đãi hoặc thắt chặt quản lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đồng thời tăng cường kiểm soát gian lận.

“Thực hiện tốt phương pháp này sẽ đem lại lợi ích cho cơ quan hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc minh bạch tiêu chí sẽ hạn chế việc cán bộ công chức thực hiện sai, cũng là để doanh nghiệp biết và tuân thủ, khắc phục những điểm chưa chuẩn, hướng đến môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh”, ông Cường khẳng định.

Ông Quách Đăng Hoà, Cục Trường Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), cho biết thêm, các yếu tố vi phạm của doanh nghiệp sẽ được xem xét dựa trên 3 yếu tố: Tần suất, mức độ và phạm vi thời gian chiếu theo pháp luật hải quan, thuế và pháp luật về quản lý chuyên ngành trên lĩnh vực hải quan.

Các doanh nghiệp ngay khi có hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được đánh giá ở mức 3-mức tuân thủ thấp, sau đó dần dần sẽ được tính thêm điểm tuân thủ theo thời gian và tần suất hoạt động. “Điều này tránh được việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp để gian lận, một năm chỉ phát sinh 1-2 tờ khai hải quan mà được đưa vào ‘Tuân thủ cao’ thì không phù hợp”, ông Hoà lý giải.

Đáng chú ý, quy định về hợp tác trao đổi cung cấp thông tin của doanh nghiệp với cơ quan hải quan phục vụ đánh giá tuân thủ là điểm mới của văn bản luật này nhằm bảo đảm tạo thuận lợi và tăng cường hợp tác trong cung cấp thông tin, tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.

Theo đó, cơ quan quản lý không thu thập tất cả thông tin của doanh nghiệp mà chỉ tập trung vào các tiêu chí cụ thể, cũng không trực tiếp đến doanh nghiệp mà thực hiện thu thập qua Cổng Thông tin điện tử Hải quan và thông qua kênh này thẩm định, trao đổi với doanh nghiệp.

Việc thực hiện đánh giá tuân thủ được thực hiện định kỳ vào 0h hằng ngày trên cơ sở hệ thống thông tin quản lý rủi ro tự động tích hợp và đưa ra kết quả.

“Việc đánh giá tuân thủ có thể thay đổi hằng ngày. Một doanh nghiệp hôm này được xếp hạng tuân thủ ngày hôm sau có thể là không tuân thủ dựa vào các thông tin cập nhật hoặc ngược lại”, ônh Hoà cho biết.

Ngoài ra, hệ thống dữ liệu đánh giá tuân thủ cũng được cập nhật từ thực tế kiểm tra hàng hoá và kiểm tra sau thông quan.

 

Ảnh: VGP/Thu Lê

Ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc đưa ra các quy định công khai, minh bạch, chi tiết. Tuy nhiên, tại Dự thảo, việc đánh giá xếp hạng theo các tiêu chí do “cơ quan hải quan” chủ trì thực hiện với sự tham gia của “các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài Chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu”.

“Cần nêu rõ các cơ quan, tổ chức này là những cơ quan nào cụ thể để tránh việc phải lấy đánh giá của quá nhiều cơ quan có thẩm quyền nhưng lại không phải là cơ quan chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể nhất định để đưa ra nhận xét đánh giá”.

Bên cạnh đó, theo ông Hiền, Dự thảo chưa nêu được trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý, chế tài cụ thể với những hành vi sai khi thực thi công vụ của các cơ quan này gây tổn thất cho doanh nghiệp.

“Trong những trường hợp đó, doanh nghiệp chỉ có thể đề nghị rút lại quyết định cưỡng chế, còn tổn thất phải tự chịu. Cần có sự bình đẳng bắt đầu từ những bước đầu tiên như soạn thảo văn bản pháp luật”, ông Hiền nêu quan điểm.

Bà Đặng Thị Bình An, Giám đốc Công ty tư vấn C&A đánh giá: “Dự thảo Thông tư đã đáp ứng được mong muốn của rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp là biết mình được xếp loại gì, tiêu chí đánh giá như thế nào. Tỏ rõ thiện chí của cơ quan hải quan muốn đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển đất nước”.

Tuy nhiên, tên gọi của Thông tư quy định quản lý “hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá” còn khá rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần được điều chỉnh lại cho phù hợp.

“Doanh nghiệp rất quan tâm đến việc mình được đánh giá như thế nào nên Ban soạn thảo nên lựa chọn, đưa ra tiêu thức gọn gàng, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ hơn”.

Bà Tạ Thị Vân Hà, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, đề nghị cơ quan hải quan cần xem xét bổ sung thêm tiêu chí kế thừa lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp.

“Nếu không có kế thừa sẽ không công bằng với các doanh nghiệp tuân thủ tốt. Cần có thang điểm đánh giá với từng tiêu chí cụ thể thay vì đưa tiêu chí chung chung. Trước khi ban hành cũng cần thêm các đánh giá thực tiễn để không đánh tụt hạng các doanh nghiệp tốt”.

Tại hội thảo, nhiều đại diện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bày tỏ trăn trở khi doanh nghiệp mình một năm chỉ phát sinh 50-60 tờ khai hải quan, chiếu theo quy định sẽ bị xếp vào mức độ 3- tuân thủ thấp, như vậy có công bằng với các doanh nghiệp nhỏ hay không?

Hay một số ý kiến cho rằng việc huỷ tờ khai hải quan là không tránh khỏi trong hoạt động xuất nhập khẩu và còn tuỳ thuộc vào đặc thù của từng ngành, nếu đưa số lượng tờ khai bị huỷ thành một tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ cần phải xem xét kỹ, xây dựng cách đánh giá phù hợp để không gây khó cho doanh nghiệp.

Thu Lê

549 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 962
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 963
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87225284