Giá nhiên liệu thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho mức tăng CPI chung (Ảnh: P.V)

Tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR đã khuyến cáo, “trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, việc Fed thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, chúng tôi cho rằng việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD. Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại”.

Cũng theo đó, tình trạng hàng hóa Trung Quốc có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung cần được chuẩn bị quản lý tốt hơn, nhằm tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nội địa.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro lớn mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.

Báo cáo của VEPR cũng khuyến cáo về tình trạng lạm phát gia tăng. PGS.TS Nguyễn Đức Thành phân tích, nối tiếp xu hướng trong Quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong Quý II/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng 3 lên 4,67% vào tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017. Việc phục hồi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm, dẫn tới việc lạm phát gia tăng. Nhóm này có quyền số lớn trong rổ hàng hóa CPI (36,12%) và đã tăng giá tới 5,1% vào tháng 6, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. Trong thời gian tới khi giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, hồi phục về mức trước khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái, đóng góp vào CPI của nhóm hàng ăn uống dự kiến sẽ còn lớn hơn. Các dịch vụ công tiếp tục là nhân tố đóng góp quan trọng cho sự gia tăng CPI trong Quý II. Việc tất cả các địa phương đã hoàn thành tăng giá dịch vụ y tế với các đối tượng không có thẻ bao hiểm y tế khiến giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng 6 tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước, riêng dịch vụ y tế tăng 16,73%. Bên cạnh đó, CPI nhóm hàng giáo dục cũng tăng 6,12% tại   thời điểm cuối Quý II/2018 so với cùng kỳ Quý II/2017, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,81%.

“Trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới không ngừng tăng từ đầu năm 2018, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng theo. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã tăng 13,95% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,59% vào CPI tổng. Trong thời gian tới khi giá nhiên liệu thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho mức tăng CPI chung. Trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay. Chúng tôi đánh giá đây chỉ là giải pháp tạm thời để đạt mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay. Trong khi đó, lạm phát lõi sau khi vọt tăng lên 1,47% vào tháng 2 đã được giữ ổn định ở quanh mức 1,37% tính tới tháng 6/2018. Điều này cho thấy NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng” – PGS.TS Thành nhấn mạnh./.

 

Lê Anh