|
Ảnh minh họa |
Thông tư số 39/2018/NĐ-CP gồm 5 Điều và 5 Phụ lục có nhiều nội dung mới được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, cũng như để phù hợp với sự thay đổi của tập quán thương mại quốc tế đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan cũng như xử lý các vướng mắc, bất cập khi thực hiện Thông tư số 38/2015/TT-BTC, cụ thể như sau:
1. Những quy định mới liên quan đến hồ sơ hải quan
Một là, phương thức nộp hồ sơ hải quan điện tử sẽ trở thành phương thức nộp hồ sơ hải quan chủ yếu. Hồ sơ hải quan sẽ được người khai hải quan nộp dưới dạng điện tử (bản scan có gắn chữ ký số) ngay khi thực hiện đăng ký tờ khai hải quan. Như vậy, người khai hải quan không cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan dưới dạng giấy và mang đến cơ quan hải quan để nộp như hiện tại.
Hai là, phân biệt cụ thể hồ sơ hải quan người khai hải quan cần nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan với hồ sơ hải quan người khai hải quan cần phải lưu giữ tại trụ sở của người khai hải quan để xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, thanh tra. Theo đó, hồ sơ hải quan nộp khi làm thủ tục hải quan sẽ chỉ bao gồm tối thiểu các chứng từ cung cấp thông tin cần thiết cho quản lý hải quan chứ không phải tất cả các chứng từ có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
Quy định mới này vừa đảm bảo tính minh bạch vừa giảm thiểu chi phí và nhân lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong khâu chuẩn bị hồ sơ hải quan và kiểm tra hồ sơ hải quan.
2. Những quy định mới liên quan đến khai hải quan
Để đảm bảo tính thống nhất trong khai báo và điện tử hóa hơn nữa việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, ngoài các nguyên tắc khai hải quan đã quy định tại Điều 19 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC bổ sung một số nguyên tắc như:
Thứ nhất, một vận đơn phải được khai trên một tờ khai hải quan nhập khẩu. Trường hợp một vận đơn khai báo cho nhiều tờ khai hải quan, người khai hải quan thông báo tách vận đơn với cơ quan hải quan trước khi đăng ký tờ khai hải quan. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không có vận đơn, người khai hải quan thực hiện lấy số quản lý hàng hóa thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trước khi khai hải quan.
Thứ hai, hàng hóa thuộc nhiều tờ khai hải quan xuất khẩu của cùng một chủ hàng đóng chung container hoặc chung phương tiện chứa hàng thì người khai hải quan phải thông báo thông tin hàng hóa đóng chung container, chung phương tiện chứa hàng thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trước khi thực hiện các thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan.
Thứ ba, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thì phải có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan và phải khai đầy đủ thông tin giấy phép trên tờ khai hải quan...
3. Khai bổ sung, hủy tờ khai hải quan, khai thay đổi mục đích sử dụng
Một trong những thay đổi lớn trong việc thực hiện khai bổ sung là thủ tục khai bổ sung được thực hiện hoàn toàn thông qua Hệ thống, không phải nộp đề nghị dưới dạng bản giấy như hiện tại.
Ngoài ra, để minh bạch hóa các thủ tục khai bổ sung đối với từng tình huống khai bổ sung phù hợp với tập quán thương mại quốc tế và đặc trưng của từng ngành hàng, Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Phân biệt cụ thể các trường hợp người khai hải quan tự phát hiện ra sai sót và được khai bổ sung trong thông quan và khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan; Bổ sung thủ tục khai bổ sung cho những trường hợp đặc biệt như: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thỏa thuận mua, bán nguyên lô, nguyên tàu và có thỏa thuận về dung sai về số lượng và cấp độ thương mại của hàng hóa; gửi thừa hàng, nhầm hàng; gửi thiếu hàng và hàng hóa chưa đưa hoặc đưa một phần ra khỏi khu vực giám sát hải quan...
4. Đăng ký, phân luồng tờ khai và xử lý tờ khai hải quan
Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai hải quan ngay sau khi tờ khai hải quan được đăng ký thành công. Tuy nhiên, căn cứ vào thông tin cập nhật đến thời điểm hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đến cửa khẩu, trường hợp thông tin về cơ sở phân luồng có thay đổi so với thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thì Hệ thống tự động xử lý và thông báo việc thay đổi kết quả phân luồng tờ khai hải quan cho người khai hải quan.
Đối với việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan, Thông tư số 39/2018/TT-BTC bổ sung thêm căn cứ bác bỏ trị giá khai báo trong thông quan, bổ sung quy định cơ quan hải quan được thực hiện phân bổ các khoản điều chỉnh đồng thời sửa đổi quy định về tham vấn một lần. Đồng thời bổ sung thêm 3 phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu so với quy định hiện tại và bổ sung quy định về nội dung, điều kiện, trình tự áp dụng, chứng từ, tài liệu của từng phương pháp.
5. Quản lý, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Đối với việc lấy mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu sẽ thực hiện đề nghị của mình thông qua Hệ thống mà không cần phải đến cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận đề nghị thông báo chấp nhận việc lấy mẫu thông qua Hệ thống. Trường hợp lấy mẫu phục vụ kiểm tra chuyên ngành và hàng hóa đang trong khu vực giám sát hải quan thì cơ quan hải quan bố trí lực lượng giám sát trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
Thông tư 39/2018/TT-BTC cũng bổ sung các quy định để làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, địa điểm về việc cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan (thông tin về lượng hàng, thời điểm hàng vào (get in), hàng ra (get out), vị trí lưu giữ và các thay đổi trong quá trình lưu giữ…). Trường hợp tại khu vực cảng, kho, bãi, địa điểm đã có kết nối Hệ thống thông tin với cơ quan Hải quan thì người khai chỉ cần liên hệ với doanh nghiệp kinh doanh cảng để vận chuyển hàng hóa qua khu vực giám sát trên cơ sở thông tin về các lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát đã được cơ quan hải quan cung cấp qua hệ thống. Đây là quy định với mục tiêu điện tử hóa các thủ tục tại khâu giám sát, khâu mà từ trước tới nay đa số làm thủ tục theo phương thức thủ công.
6. Quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất
Để quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất một cách hiệu quả và đáp ứng quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định cụ thể những nội dung liên quan đến loại hình này theo hướng: đưa ra định nghĩa thống nhất về định mức hàng gia công; bổ sung quy định người khai hải quan phải khai báo mã nguyên liệu, mã sản phẩm trên tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và xuất khẩu sản phẩm; quy định cụ thể hơn về việc thông báo cơ sở sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và trách nhiệm thông báo hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng gia công.
Ngoài ra, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện tuân thủ và sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thì những doanh nghiệp này sẽ không phải thực hiện báo cáo quyết toán với cơ quan hải quan như quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Với những tổ chức, cá nhân chưa tham gia kết nối hệ thống thì vẫn thực hiện nộp báo cáo quyết toán như quy định. Thêm vào đó, Thông tư số 39/2018/TT-BTC cũng bổ sung quy định về việc sửa báo cáo quyết toán, hướng dẫn việc khai sản phẩm gia công có cung ứng nguyên liệu trong nước có thuế suất thuế xuất khẩu, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu hàng hóa của công ty cho thuê tài chính...”
Khánh Linh