Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại buổi họp báo
(Ảnh: K.D)
Phát biểu tại Họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát diễn ra sáng nay 20/2, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ là căn cứ quan trọng giúp ngành thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương pháp chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế và thực tiễn. Cùng với 6 giải pháp đi kèm, việc thực hiện Đề án này cũng góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả khi xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập phản ánh rõ nhất quy mô của nền kinh tế, đây là nhiệm vụ phải làm trung thực. Đó cũng là chính sách và quyết sách của Chính phủ. Hiện nay, nợ công/GDP của Việt Nam là 61,4%, so với các nước khác trên thế giới chưa phải là vấn đề, nợ công/GDP mục tiêu được Quốc hội đề ra là không quá 65%.
Nhận định thêm về Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hiện vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp cũng chưa được nhận diện một cách đầy đủ. Do đó, tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu tài khoản quốc gia và những chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế…
Tổng cục Thống kê cho biết, Đề án này được triển khai từ năm 2019 (Ảnh: K.D)
Tổng cục Thống kê cho biết, Đề án này được triển khai từ năm 2019, cụ thể: Tổng cục Thống kê sẽ hoàn thành nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế; xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và tiến hành đo lường thử nghiệm; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
Năm 2020, Tổng cục Thống kê bắt đầu đo lường chính thức. Hàng năm sẽ cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan.
Bên cạnh việc biên soạn, công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ số liệu của các chỉ tiêu này, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 còn phải có số liệu hoặc hướng dẫn phương pháp tính toán, xác định các số liệu không bao gồm khu vực kinh tế chưa quan sát, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và các phân tích, đánh giá khác về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê, ông Dương Mạnh Hùng, việc thực hiện Đề án này để xác định danh mục phạm vi của từng thành tố, phạm vi thông tin; đồng thời, tăng cường chia sẻ về hồ sơ hành chính như: Tổng cục Thuế đang chia sẻ với Tổng cục Thống kê về chế độ báo cáo kế toán của doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước thực hiện Đề án không chi tiêu tiền mặt… để phản ánh rõ nhất khu vực kinh tế chưa quan sát được, tạo thuận lợi cho cơ quan thống kê.../.
Kim Dung