Ảnh minh họa. (Nguồn: VA)
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60 ngày 26/10/2011, quy định một số chính sách đối với phát triển giáo dục mầm non từ 2011 - 2015, để thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trong đó, đối với giáo viên đang dạy chế độ hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập và bán công sẽ được hưởng các chế độ như giáo viên mầm non công lập.
Hiện nay, số giáo viên mầm non đang thiếu là trên 65.000 người, trong đó đang thực hiện chế độ hợp đồng mà ngân sách địa phương trả là trên 52.000 người.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, theo kết luận tại cuộc họp tháng 5/2018, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ cùng Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính tham mưu trong việc đề xuất đảm bảo đủ số giáo viên đứng lớp dạy, trong đó có mầm non.
Bộ Nội vụ cũng đã có 2 văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có văn bản số 5068 ngày 11/10/2018, đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế cho mầm non với 17 tỉnh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Cùng với đó, rà soát lại tất cả giáo viên hợp đồng trước năm 2015 để có cách xử lý phù hợp, trong điều kiện ưu tiên tuyển chọn giáo viên trong biên chế chưa tuyển đủ.
Về lâu dài, Bộ Nội vụ cũng đề nghị thực hiện 6 giải pháp, đó là: Rà soát lại số học sinh, giáo viên thực tế để giải quyết thực trạng dư thừa giáo viên; Xây dựng và hoàn hiện các nghị định, quy định của Chính phủ về tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập; Xây dựng về cơ chế chuyển đổi mô hình đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông từ công lập, khuyến khích chuyển sang ngoài công lập; Rà soát lại định mức giáo viên, học sinh trên lớp, giờ giảng dạy trong tuần…; Nghiên cứu chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, có đào tạo lại; Hoàn thiện cắt giảm vị trí việc làm sau khi sáp nhập các đơn vị giáo dục mầm non./.
Mỹ Anh