Trẻ em có chiều cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp với chiều cao, độ tuổi và không ngồi hàng ghế của người lái xe ở tất cả các phương tiện cơ giới - Ảnh minh họa
Ngày 31/5, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội thảo “Các giải pháp trọng tâm nâng cao an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam”.
Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường quản lý các yếu tố rủi ro có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT) và hậu quả lớn nhằm cải thiện an toàn giao thông (ATGT) đường bộ tại Việt Nam” do Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và cuộc sống bình an cho tất cả mọi người dân. Trong nỗ lực hướng đến một tương lai an toàn hơn, việc tìm giải pháp đối với các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu là vô cùng cần thiết.
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo đảm ATGT và Việt Nam cũng là một trong số ít các nước trên thế giới kéo giảm TNGT xuống còn một nửa trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020. Kết quả này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Minh nhìn nhận, thiệt hại do TNGT gây ra ở Việt Nam vẫn còn lớn.
“Trong các giải pháp để giảm TNGT, Liên Hợp Quốc đã khuyến cáo 5 yếu tố đặc biệt quan trọng liên quan đến hành vi trực tiếp của người tham gia giao thông, nếu quản lý tốt những hành vi này thì việc đảm bảo ATGT sẽ tăng lên.
Cụ thể, 5 yếu tố bao gồm: quản lý sử dụng rượu bia khi lái xe; quản lý về tốc độ; đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô, xe máy; thắt dây an toàn trên xe ô tô và thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô”, Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết.
Các chuyên gia khuyến nghị các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế và thiếu sót trong các quy định hiện hành liên quan đến 5 yếu tố hành vi có nguy cơ gây mất an toàn giao thông tại Việt Nam. Từ đó, chia sẻ các bằng chứng khoa học và khuyến nghị để đóng góp cho quá trình xây dựng luật.
5 yếu tố quan trọng liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông
Cụ thể, đối với thiết bị an toàn cho trẻ em, khuyến nghị trẻ em có chiều cao dưới 135 cm và dưới 12 tuổi được chở trên ô tô cá nhân bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp với chiều cao và độ tuổi và không được phép ngồi hàng ghế của người lái xe ở tất cả các phương tiện cơ giới.
Đối với dây an toàn, các chuyên gia khuyến nghị tất cả các ghế trên ô tô đều phải có dây an toàn. Yêu cầu tất cả người ngồi trên ô tô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn đúng cách.
Về tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, khuyến nghị các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự.
Cần lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm và xử phạt lũy tiến đối với các hành vi tái phạm vi phạm nồng độ cồn.
Đối với vi phạm tốc độ quy định, khuyến nghị quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50 km/h với tất cả các loại đường. Tại khu vực có tình trạng giao thông phức tạp như trường học, giảm tốc độ giới hạn xuống 30 km/h.
Đối với quy định mũ bảo hiểm, các chuyên gia khuyến nghị cần duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; Bổ sung quy định xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em dưới 6 tuổi trên xe mô tô, xe máy.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông, báo chí trong việc nâng cao ý thức của người dân cũng như việc tuyên truyền rộng rãi các thông tin về ATGT đường bộ tới người dân, cảnh báo về các yếu tố rủi ro gây mất ATGT, góp một phần vào việc bảo vệ người tham gia giao thông, giảm thiểu thương vong do TNGT.
PT