Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5/2019 gặp khó

Tháng 5, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp, tiếp tục lây lan trên diện rộng. Sản lượng lúa đông xuân ước tính giảm 45 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Ngành thủy sản tuy duy trì mức tăng khá cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng nhưng xuất khẩu thủy sản có xu hướng giảm do sản lượng tôm nước lợ, cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm.

Dự báo lúa hè thu gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài (Ảnh: HNV)

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.123,4 nghìn ha, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.116,7 nghìn ha, bằng 99% (giảm 10,9 nghìn ha) do một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác; các địa phương phía Nam đạt 2.006,7 nghìn ha, bằng 101,6%.

Thêm nữa, dự báo vụ hè thu năm nay gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần kiểm soát và chủ động ngăn ngừa nguy cơ bùng phát sâu bệnh gây hại trên lúa, hạn chế gieo trồng ở những vùng thấp trũng, không chủ động nước tưới hoặc thường xuyên bị ngập úng.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục đạt khá, riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan trên diện rộng và đã xảy ra ở các địa phương có quy mô chăn nuôi lớn....

Sản xuất lâm nghiệp tháng 5/2019 chủ yếu tập trung vào chăm sóc rừng trồng ở các địa phương phía Bắc, chuẩn bị cho mùa trồng rừng vụ thu ở phía Nam. Diện tích rừng trồng tập trung tháng 5 ước tính đạt 29 nghìn ha, giảm 9,4% so với cùng kỳ 2018; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 5,7 triệu cây, giảm 0,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.428 nghìn m3, tăng 4,9%; sản lượng củi khai thác đạt 2 triệu ste, giảm 1,9%. Thời tiết trong tháng nắng nóng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tháng 5/2019, cả nước có 254,6 ha rừng bị thiệt hại, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 191,9 ha, gấp 10 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 62,7 ha, tăng 17%.

Sản lượng thủy sản tháng 5 ước tính đạt 764,1 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 579 nghìn tấn, tăng 6,2%; tôm đạt 82,5 nghìn tấn, tăng 7,6%; thủy sản khác đạt 102,6 nghìn tấn, tăng 7,1%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2019 ước tính đạt 409,6 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 301,4 nghìn tấn, tăng 6,8%; tôm đạt 71,2 nghìn tấn, tăng 9,5%. Nuôi cá tra không gặp thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm, sản lượng cá tra xuất khẩu vào các thị trường chính như: Mỹ, Trung Quốc giảm, tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường EU và ASEAN lại gia tăng.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2019 ước tính đạt 354,5 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2018. Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 5 đạt 339,5 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.004,5 nghìn tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Niềm vui thu hoạch nho của nông dân tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: HNV)

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá

Thống kê của Tổng cục Thống kê nêu rõ, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực của ngành chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2019 ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.

5 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu…

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2019 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,2% so với cùng thời điểm 2018.

Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2019 có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm nay ước tính các doanh nghiệp bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng.  

Trong tháng 5/2019, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 127,3 nghìn tỷ đồng, giảm 28% về số doanh nghiệp và giảm 23,8% về số vốn đăng ký so với 4; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 5,9%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 88,1 nghìn người, giảm 33%.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 25,6%.

Bất động sản đã và đang thu hút nhiều vốn đầu tư (Ảnh: HNV).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc

Tổng cục Thống kê thông tin, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 chưa cải thiện nhiều, đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019. Mặc dầu vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới. Tính đến thời điểm 20/5/2019, số dự án cấp mới là 1.363 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2019 thu hút 1.363 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6.457,9 triệu USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 5 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 4.744,4 triệu USD, chiếm 73,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 742,3 triệu USD, chiếm 11,5%; các ngành còn lại đạt 971,2 triệu USD, chiếm 15%.

Cả nước có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 5 tháng đầu năm, trong đó Tây Ninh có số vốn đăng ký lớn nhất; tiếp đến là Bình Dương; Bắc Ninh; thành phố Hồ Chí Minh…Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất; tiếp đến là Hàn Quốc; Xin-ga-po…

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng năm nay có 55 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD; 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 84,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng năm 2019 đạt 183,1 triệu USD. Trong 5 tháng có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Tây Ban Nha là nước dẫn đầu với 59,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ 44,3 triệu USD, chiếm 24,2%; Cam-pu-chia 38 triệu USD, chiếm 20,8%; Ma-lai-xi-a 14,2 triệu USD, chiếm 7,8%.

Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng khá khả quan, biểu hiện với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 202,02 tỷ USD. Tuy vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu tới 1,3 tỷ USD, tính chung 5 tháng nhập siêu 548 triệu USD.

Có thể thấy, vẫn cần phải tiếp tục có sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và địa phương để mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở ngưỡng an toàn một cách hiệu quả hơn./.

Lê Anh