5 tháng đầu 2021, sản xuất công nghiệp là "cứu cánh" của nền kinh tế  

(ĐCSVN) – Số liệu thống kê định kỳ tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu 2021 Việt Nam cho thấy một bức tranh kinh tế chịu tác động rõ nét, đan xen hai gam màu chủ đạo “sáng” (tích cực) và “xám” (hạn chế) của dịch bệnh COVID-19 đặc biệt là trước sự bùng phát của “làn sóng COVID lần thứ tư” kể từ cuối tháng 4/2021.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê nêu rõ, tháng 5, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chăm sóc lúa đông xuân, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng tại các địa phương phía Bắc; chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào trồng rừng mới vụ xuân hè, đẩy mạnh khai thác gỗ ở nhiều địa phương có diện tích rừng đã đến tuổi khai thác với giá thu mua gỗ ổn định. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thủy sản tăng với mức giá tăng so với cùng kỳ 2020, thời tiết của ngư trường thuận lợi cho khai thác xa bờ.

Đáng chú ý, trong tháng 5/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 26,5 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, trên cả nước diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 88,5 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2020.

Một tín hiệu sáng đáng mừng nữa là, sản lượng thủy sản tháng 5 ước tính đạt 782,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.267,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2020.

 Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,6% (Ảnh: PV)

Sản xuất công nghiệp vẫn là “cứu cánh” của nền kinh tế trong làn sóng COVID lần thứ 4 kể từ 28/4 đến nay. Theo số liệu thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng 4 và tăng 11,6% so với cùng kỳ 2020.  Cũng theo Tổng cục Thống kê, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.

Một tín hiệu khả quan nữa trong diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay, đó là, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2020. Điều này là minh chứng rõ ràng và sống động nhất cho Việt Nam ngày càng trở nên tin cậy và có sức hút lớn với các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những điểm sáng, khó khăn do tác động của dịch bệnh cũng tồn tại không ít. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch trong tháng 5. Tuy nhiên, hoạt động thương mại, vận tải 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 33,5%; vận chuyển hành khách tăng 4,2%, luân chuyển hành khách tăng nhẹ 0,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 10,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,2%. Riêng khách quốc tế đến nước ta 5 tháng đầu năm 2021 giảm 97,8% so với cùng kỳ 2020 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2021 đạt 26,55 tỷ USD. Ước tính tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 4 và tăng 35,6% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2021 đạt 27,78 tỷ USD. Ước tính tháng 5/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 4 và tăng 56,4% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ 2020. Cũng trong 5 tháng,  có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 45,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4/2021 nhập siêu 1,23 tỷ USD; 4 tháng xuất siêu 1,63 tỷ USD; tháng 5 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.

Riêng trong lĩnh vực vận tải, do dịch bệnh, vận tải hành khách giảm nhưng bù lại vận tải hàng hóa tăng. Cùng với du lịch và một số ngành dịch vụ khác, vận tải cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19./.

 
Hà Anh
289 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 700
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 701
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76747418