Bức tranh kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng (Ảnh: HNV)

Liên quan tới sản xuất nông nghiệp trong tháng, vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.101,5 nghìn ha, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.127,5 nghìn ha, bằng 98,5%; các địa phương phía Nam đạt 1.974 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,1%. Diện tích lúa đông xuân ở miền Bắc giảm 16,6 nghìn ha so với năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 11,9 nghìn ha chủ yếu do một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác.

Gieo trồng cây hoa màu đạt thấp, tính đến giữa tháng 5, cả nước gieo trồng được 476 nghìn ha ngô, bằng 85,4% cùng kỳ năm trước; 73,3 nghìn ha khoai lang, bằng 93,3%; 136,1 nghìn ha lạc, bằng 95,7%; 32 nghìn ha đậu tương, bằng 78,8%; 630 nghìn ha rau đậu, bằng 103,2%.

Chăn nuôi trâu bò trong tháng nhìn chung ổn định, chăn nuôi gia cầm tiếp tục đạt khá, chăn nuôi lợn bắt đầu có dấu hiệu tái đàn khi giá thịt lợn hơi đang tăng lên, tuy nhiên thị trường xuất khẩu mặt hàng này vẫn chưa được cải thiện. Đàn trâu cả nước trong tháng ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 3%; đàn gia cầm tăng 6,9%; đàn lợn giảm 5,4%. Tính đến ngày 27/5/2018, cả nước không còn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Đối với lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung tháng 5 ước tính đạt 25,3 nghìn ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 75,8 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong tháng 5, cả nước có 78 ha rừng bị thiệt hại, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, diện tích rừng bị thiệt hại là 386 ha, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 115,9 ha, giảm 44,6%; diện tích rừng bị chặt phá là 270,1 ha, giảm 29,3%.

Sản lượng thủy sản tháng 5 ước tính đạt 654,3 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Nuôi cá tra đạt khá, giá cá tra duy trì ở mức cao, người nuôi có lãi, quy mô sản xuất được mở rộng. Nuôi tôm nước lợ thuận lợi về thời tiết nhưng tôm thẻ chân trắng đang đối mặt với sự sụt giảm giá do nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm và cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Thái Lan. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2018 ước tính đạt 321,9 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.806,9 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê về sản xuất công nghiệp cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,6%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,2%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2018 tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,2%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,2%.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng đều, trong tháng 5, cả nước có 11.027 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 104,8 nghìn tỷ đồng... Trong tháng, cả nước có 2.306 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước tính đạt 24,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4,5 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 20,3 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 28,7% và tăng 5,5%).

Riêng đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại nước ta từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2018 thu hút 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4.657,4 triệu USD, tăng 14,6% về số dự án và giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.492,7 triệu USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt 7.150,1 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng năm 2018 còn có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.117 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,58 tỷ USD và 1.224 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 5 tháng năm nay, bên cạnh 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 144,7 triệu USD, còn có 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 40 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đầu năm 2018 đạt 184,7 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 57,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25,4 triệu USD, chiếm 13,7%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21 triệu USD, chiếm 11,4%. Trong 5 tháng có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư; Cam-pu-chia chiếm 17,5%; Cu-ba chiếm 10,8%.

Các số liệu về xuất nhập khẩu chỉ ra hoạt động này cũng đang có sự khởi sắc nhất định. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 4/2018 đạt 18.367 triệu USD, cao hơn 167 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2018 ước tính đạt 19,20 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,63 tỷ USD, tăng 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 4/2018 đạt 17.204 triệu USD, thấp hơn 296 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5 ước tính đạt 19,70 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 89,70 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4 xuất siêu 1,16 tỷ USD. Tháng 5 ước tính nhập siêu 500 triệu USD (sau 4 tháng liên tiếp xuất siêu kể từ đầu năm), chủ yếu do Samsung đã tập trung xuất khẩu các sản phẩm Galaxy S9, S9+ trong tháng 3 làm cho kim ngạch xuất khẩu điện thoại bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm xuất siêu 3,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,39 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,78 tỷ USD./.

Lê Anh