Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khi trao đổi Báo điện tử Chính phủ về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội và những nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới
Khẳng định tính ưu việt khi tình hình biến động bất thường
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, 5 năm qua tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều cơ hội đan xen với không ít thách thức; có rủi ro khó lường, tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, 5 năm qua, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao (bình quân 6%/năm), quy mô nền kinh tế ước đạt 340 tỷ USD, tăng 1,4 lần, đứng thứ 4 trong ASEAN, năng suất lao động tăng cao (bình quân 5,8%/năm); kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tỉ lệ nợ công giảm (ước đạt 56,8% GDP), nợ xấu và rủi ro tài chính, tiền tệ giảm, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh, tiến gần mốc 100 tỷ USD.
|
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa. |
Riêng năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 2016-2020 và thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 đặt ra.
Bên cạnh tác động của đại dịch COVID-19, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất... liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế-xã hội.
Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt Đảng và sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và đạt mức tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Năm 2020 cho thấy sức mạnh, trí tuệ, ý chí, giá trị và tinh thần dân tộc Việt Nam, tính ưu việt của chế độ ta, nhất là đường lối, chủ trương đúng đắn và vai trò lãnh đạo của Đảng ta lại được khẳng định và phát huy trước những khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh doanh cải thiện, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện một bước quan trọng, nhờ đó đã giải phóng, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả một nguồn lực lớn xã hội.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt hơn 9,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân gần 4 triệu tỷ đồng, chiếm 43% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hơn 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 23%; đáng lưu ý là vai trò khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng đối với phát triển kinh tế trong khi khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò ổn định và dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư của 2 khu vực còn lại.
“Mặc dù chúng ta không còn phụ thuộc nhiều vào DNNN, nhưng nhờ liên tục được cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, khu vực DNNN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các DNNN đã tập trung chủ yếu trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhận định.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh hơn
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhận định, có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đi tiên phong, mở đường phát triển trong những ngành kinh tế quan trọng như công nghệ, viễn thông, hàng không, tài chính, ngân hàng, khai khoáng, dầu khí…
Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Kinh tế tư nhân đang dần trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, năng lực cạnh tranh tầm khu vực trong một số lĩnh vực.
Có thể nói, các thành tựu trên có phần đóng góp quan trọng của kết quả thực hiện các Nghị quyết Trung 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới DNNN và phát triển kinh tế tư nhân cũng như các chủ trương khác của Đảng về kinh tế-xã hội.
Về một số giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nêu một số giải pháp cần làm để tiếp tục đưa các Nghị quyết vào cuộc sống nhanh và hiệu quả hơn.
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức đoàn thể tiếp tục thường xuyên, phổ biến tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, đặc biệt quan tâm đổi mới hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết theo hướng đa dạng, thiết thực và phù hợp với từng nhóm đổi tượng.
“Có lẽ một trong những cách thức tuyên truyền, phổ biến thiết thực nhất là chúng ta cần nhận diện và tuyên truyền các mô hình hiệu quả, thành công và cách làm sáng tạo, hiệu quả trên thực tế để phổ biến, học tập”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
Thứ hai, cần khẩn trương thể chế hóa, luật pháp hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các quan điểm, chủ trương, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng về kinh tế - xã hội.
Thứ ba, cần phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết để bảo đảm các nghị quyết của Đảng về kinh tế - xã hội được thực hiện nghiêm túc.
“Không có kiểm tra, giám sát thì không thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết có hiệu quả và không bảo đảm Nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong giám sát và phản biện thực hiện các Nghị quyết”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Anh Minh