|
Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, các trường hợp thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm: 1- Thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 5 ngày làm việc; 2- Ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc; 3- Các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Trợ giúp pháp lý mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm; 4- Các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý do người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.
Thực hiện trợ giúp pháp lý
Theo Thông tư, khi thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần bám sát yêu cầu trợ giúp pháp lý, tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của người được trợ giúp pháp lý.
Việc hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật trong trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Trợ giúp pháp lý do người tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý thực hiện ngay cho người được trợ giúp pháp lý, không lập thành hồ sơ và được thống kê thành việc trợ giúp pháp lý trong Sổ thực hiện việc trợ giúp pháp lý. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tổ chức lấy ý kiến của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ về thái độ, trách nhiệm, chuyên môn của người thực hiện trợ giúp pháp lý và mức độ hài lòng đối với vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng theo mẫu.
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở làm việc các nội dung sau đây: 1- Lịch tiếp người được trợ giúp pháp lý; 2- Nội quy tiếp người được trợ giúp pháp lý; 3- Người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; 4- Danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm; 5- Nội dung khác (nếu cần thiết).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/10/2018.
Tuệ Văn