4 thách thức để phát triển hệ thống năng lượng bền vững 

(Chinhphu.vn) - Thực trạng năng lượng hiện nay của Việt Nam đang đặt ra 4 thách thức cho hệ thống năng lượng bền vững gồm cung cấp năng lượng tin cậy, giá cả hợp lý, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

 

Trong năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu 10 triệu tấn than phục vụ nhu cầu trong nước và dự tính lượng than nhập khẩu sẽ lên tới 100 triệu tấn vào năm 2030 (ảnh minh họa).

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế phát thải thấp” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam và Tập đoàn Siemens tổ chức sáng 24/8 tại Hà Nội.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong giai đoạn từ 2011-2016.

Ước tính, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và nhu cầu này dự báo sẽ tăng lên mức 100-110 triệu TOE vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, với nhu cầu năng lượng như trên, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng. Ví dụ như ngay trong năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu 10 triệu tấn than phục vụ nhu cầu trong nước và dự tính lượng than nhập khẩu sẽ lên tới 100 triệu tấn vào năm 2030.

"Ngoài than, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng và điện năng từ các nước láng giềng", ông Vượng cho hay.

Trong khi đó, nếu sử dụng năng lượng hiệu quả và tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo phong phú, Việt Nam có thể giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhập khẩu than cũng như bảo đảm giá điện ổn định trong các thập niên tới.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khu vực của Tập đoàn Simens Armin Bruck cho biết, để bảo đảm cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng. Việt Nam cần phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, thay đổi từ mô hình điện tập trung cho đến mô hình điện phân bố… trong lộ trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

“Hướng tiếp cận mới về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo ngày càng có nhiều đóng góp cho việc giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu. Cộng hòa liên bang Đức đang đi tiên phong trong việc hướng tới giảm thiểu phát thải carbon trong nền kinh tế. Đây là một điều thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Armin Bruck cho biết.

Còn ông Wolfgang Manig, Đại biện lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam lại lưu ý đến chính sách đối với giá điện hiện nay. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện hợp lý sẽ là một động lực quan trọng nhằm thu hút đầu tư cũng như phát triển các nguồn điện năng mới, phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao trong tương lai.

Ông Wolfgang Manig cho rằng không nên nhầm lẫn giữa giá cả hợp lý và giá rẻ bởi giá điện cần phải đủ để hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo và khuyến khích tiết kiệm.

Hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng, thực trạng năng lượng hiện nay của Việt Nam đang đặt ra 4 thách thức cho hệ thống năng lượng bền vững, bao gồm cung cấp năng lượng tin cậy, giá cả hợp lý, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, đòi hỏi nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, ngoài việc không ngừng phát huy nội lực, Việt Nam đang quyết tâm giải quyết 4 thách thức nêu trên với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các đối tác phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng.

Phan Trang
609 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1803
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1803
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84493658