37 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công nguồn ODA 

(Chinhphu.vn) - Ngày 14/6, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có nguồn vay từ nước ngoài (ODA) 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính nhận định, tiến độ giải ngân của các địa phương có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu. Mới có 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 3%, 37/63 địa phương tỉ lệ giải ngân là 0%.

 

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu các địa phương khẩn trương gỡ vướng đẩy nhanh tiến độ giải ngân - Ảnh: VGP
 

Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch, vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng.

 

Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.

 

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đến ngày 31/5, kế hoạch vốn năm 2021 nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là bằng 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương nhập TABMIS bằng 86% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại bằng 63% kế hoạch vốn được giao đầu năm.

 

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc giải ngân của các địa phương vẫn rất khó khăn. Vốn đã giải ngân bằng 1,73% dự toán, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm.

 

Đáng chú ý, mới có 15 trong tổng số 63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 3% bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu và có tới 37/63 địa phương tỉ lệ giải ngân là 0%.

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, tỉ lệ giải ngân như trên là rất thấp, thấp hơn hẳn tỉ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 (vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 7,19%).

 

Nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tỉ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020.

 

Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm nay, Hà Nội được giao 7 dự án với kế hoạch vốn được giao là 7840 tỷ đồng, trong đó, vốn cấp phát là 6.244 tỷ đồng và vốn vay lại là 596, 2 tỷ đồng.

 

Đến hết tháng 5, giá trị giải ngân vốn ODA là 551 tỷ đồng, đạt 7,03% kế hoạch. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chuyên gia sang Việt Nam khó khăn, các thiết bị cho các dự án như đầu máy, toa xe của gói thầu số 6 dự án Tuyến đường sắt số 3, hoặc gói thầu số 1 dư án Nhà máy nước thải Yên Xá đều phải nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản nên có sự chậm trễ.

 

Ngoài ra, Hà Nội có một số khó khăn như dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 gặp vướng mắc về điều chỉnh thời gian, kinh phí của các gói thầu do thời gian thực hiện của dự án kéo dài bởi nhiều nguyên nhân…

 

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA tại các địa phương, đại diện thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm có hướng dẫn để các địa phương, các ngành rà soát, báo cáo Bộ thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn ODA 2021.

 

“Thành phố đã rất quyết liệt báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành nhưng sự khác biệt giữa quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam với thông lệ quốc tế hay quy định của nhà tài trợ khi triển khai hợp đồng với nhà thầu quôc tế dẫn đến phát sinh các tranh chấp”, ông Hà Minh Hải nói.

 
 
 

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Các ban quản lý cần chủ động trao đổi gỡ vướng nhanh         

 
 

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, ngoài nguyên nhân khách quan như dịch bệnh thì một nguyên nhân ảnh hướng đến tiến độ giải ngân là nhiều dự án không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm; chậm xử lý đơn rút vốn; điều chỉnh dự án... Tựu chung lại là trình tự thủ tục kéo dài, làm cho dự án triển khai chậm.  

 
 

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương, các sở, ngành liên quan có chỉ đạo quyết liệt để ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, đồng thời, các ngành liên quan cần tích cực phối hợp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn từ nay đến cuối năm.

Trong thời gian tới, cần ưu tiên cho những dự án có khả năng giải ngân trong năm 2021 và những dự án sẽ kết thúc trong năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ, khối lượng hoàn thành. Các địa phương cần chủ động điều chỉnh phẩn bổ cho các dự án trong phạm vi của địa phương. Nếu có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn ODA trong năm thì các địa phương cần đánh giá kỹ và sớm báo cáo, đề xuất với Bộ KH&ĐT để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm cho phù hợp.
 
 
 
 

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cam kết hoàn thành kiểm soát chi trong vòng 3 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng một ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Từ tháng 7/2021, sẽ triển khai thí điểm áp dụng và tiến tới áp dụng chính thức trong năm 2021, cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các địa phương thông qua sở tài chính nhằm bảo đảm cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương để hỗ trợ các địa phương chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.

 

Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT tư cần có cơ chế đơn giản hóa hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án, có cơ chế bố trí kế hoạch phù hợp với đặc thù giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi.

 

Về phía các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao; ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn của các địa phương.

 

“Đối với các chủ dự án, các ban quản lý dự án, cần triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của mình, tránh tình trạng đùn đẩy, chờ chỉ đạo, đặc biệt là đối với các dự án mua sắm thiết bị”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà lưu ý.

 

 Anh Minh

432 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 943
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 943
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87078039