33 NĂM, BAO NỖI TỰ HÀO 

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta khó quên cảm giác lâng lâng và cũng khó dấu được nỗi lo với bao khó khăn chồng chất khi tiếp nhận “cơ đồ” của những ngày đầu tỉnh nhà lập lại (01/7/1989). Tỉnh Quảng Trị khi đó chỉ là một tỉnh thuần nông, diện tích, năng suất, sản lượng rất thấp và không ổn định; công nghiệp nhỏ bé, lạc hậu; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông còn ngổn ngang... Hai cuộc chiến tranh tàn khốc hậu quả để lại cho Quảng Trị trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước. Thêm vào đó, thiên tai dồn dập mảnh đất này “nghèo như chẳng còn gì nghèo hơn”.

Vậy mà 33 năm nhìn lại với gần 12 nghìn ngày, có lẽ bức tranh toàn cảnh của Quảng Trị đã đổi thay, đổi thay đến ngoạn mục. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển. Năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt 6,5%; đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước hơn 5.511 tỷ đồng. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất nông nghiệp những năm đầu tỉnh lập lại chiếm tỷ trọng 62,3%, đến nay chỉ còn 27,89%, nhưng tổng giá trị tăng gần 40 lần. Với mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030, tỉnh đã tập trung công tác quy hoạch phát triển điện năng, đề xuất các dự án năng lượng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện, trong đó có các dự án quy mô lớn như dự án Nhà máy nhiệt điện than công suất 1320MW của Tập đoàn EGATi  (Thái Lan), dự án Tua bin khí hổn hợp 340MW của Tập đoàn Gazprom (Nga), dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng 1500MW của T&T Group và tổ hợp các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW được đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên 965,6MW. Công tác vận động, thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư trọng điểm, các nhà đầu tư chiến lược đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 320 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 143.340 tỷ đồng, riêng năm 2021 đã có 70 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 72 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với năm 2020.  Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 đạt 28.534 tỷ đồng, vượt 29,7% kế hoạch đề ra và tăng gần 50% so với năm 2020. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Quảng Trị là một trong những địa phương đứng đầu cả nước thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Quốc phòng được củng cố tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoạt động của Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng được đẩy mạnh…Mặc dù, chỉ là “nét chấm phá” nhưng cũng đủ ấm lòng khi Quảng Trị vốn là nghèo khó đang thay da đổi thịt. Mừng vậy, nhưng trên bình diện chung hiện tại nội lực nền kinh tế Quảng Trị vẫn chậm được cải thiện; Lợi thế so sánh nhiều mặt vẫn khó hơn một số tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Lộ trình “đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, ước vọng của toàn dân, toàn quân. Và để quyết tâm chính trị đó sớm trở thành hiện thực, có nhiều việc phải làm; đó là sớm hoàn thành quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch, chú trọng xây dựng các đề án, quy hoạch phục vụ công tác thu hút đầu tư. Đó là, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của  nền kinh tế. Đó là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đó là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và con người Quảng Trị. Quan tâm chăm lo đời sống người có công cách mạng, người khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Và cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; tiếp tục mở rộng hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại, chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Đã qua rồi cái thời “tỉnh nghèo, kém phát triển” nhưng mục tiêu đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước thì phải còn phấn đấu cật lực. Tin rằng với  thành quả sau 33 năm tạo dựng; với truyền thống Anh hùng, với sự đoàn kết, sáng tạo và khát vọng cống hiến của toàn Đảng, toàn dân, Quảng Trị cái đích “giàu, mạnh văn minh” không còn là ước mơ. Nguyễn Trí Ánh

   

218 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 822
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 822
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77506597