|
Lực lượng công an kiểm tra các công ty tài chính. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Những năm gần đây, hoạt động cho vay tín dụng đen tại tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là ở TP. Thanh Hóa có chiều hướng phức tạp. Nhiều đối tượng cộm cán trong các băng nhóm tội phạm đã thành lập công ty dưới nhiều hình thức kinh doanh như cầm đồ, thuê lại tài sản, xây dựng, vận tải, tổ chức phường, hội, họ… để cho vay lãi nặng.
Giao dịch của các nhóm này rất kín đáo. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để thỏa thuận, ép buộc người vay viết giấy không ghi lãi suất, hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp… gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý. Đặc biệt, khi người vay mất khả năng chi trả, nhóm đối tượng này sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ.
Trước tình hình trên, Công an TP. Thanh Hóa đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi cho vay lãi nặng tại 5 công ty tài chính, cầm đồ có trụ sở chính đặt trên địa bàn thành phố gồm: Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín, Công ty TNHH Trường Cửu, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Thương Tín, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quyền Quý và Công ty TNHH Nam Tiến 36.
Sau một thời gian theo dõi và lập chuyên án đấu tranh, ngày 22/12/2018, Công an TP.Thanh Hoá đã huy động trên 300 cán bộ chiến sĩ ra quân khám xét hành chính đối với 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính của 5 công ty nói trên ở 14 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến hoạt động vay tín dụng, nhiều giấy tờ được sử dụng thế chấp vay tiền, cùng nhiều công cụ, phương tiện, vũ khí nghi vấn dùng để siết nợ; tạm giữ nhiều tài sản có giá trị có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Theo kết quả điều tra ban đầu của của cơ quan công an, để thực hiện trót lọt các giao dịch cho vay với lãi suất cắt cổ, các đối tượng ép buộc con nợ viết giấy bán tài sản của mình, rồi sau đó lại phải thuê lại chính tài sản đó mới có thể được vay số tiền mình cần. Mức phí thuê tài sản mà người đi vay phải chịu là từ 3.000-5.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương từ 109,5-182,5%/ năm. Với cách tính này, nhiều khách hàng chỉ vay 30 triệu đồng, nhưng chỉ sau 1 năm đã phải trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi mà vẫn chưa thể trả hết số nợ. Một hình thức cho vay cắt cổ khác là cho "vay thăm" với số tiền từ 10-60 triệu đồng/bát thăm, kỳ hạn 50 ngày.
Chỉ trong khoảng 2 năm hoạt động, tổng số lượt giao dịch của 5 công ty tài chính này lên tới hơn 7.000 lượt, với tổng số tiền khoảng 72 tỷ đồng, mở rộng 32 chi nhánh ở khắp các huyện, thị xã của tỉnh.
Công an TP. Thanh Hóa bước đầu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng, gồm Cao Xuân Thu (sinh năm 1991, giám đốc Công ty Đại Tín), Đỗ Nguyễn Minh Tân (sinh năm 1991, kế toán Công ty Đại Tín), Lê Phú Lượng (sinh năm 1994, trưởng chi nhánh Công ty Trường Cửu, TP. Sầm Sơn), Đỗ Văn Thái (sinh năm 1983, quản lý điều hành chi nhánh Công ty Trường Cửu ở huyện Hoằng Hóa), Trương Đình Tâm (sinh năm 1998, nhân viên Công ty Thương Tín).
Ngay sau ngày khám xét tại 32 chi nhánh của 5 công ty trên, thì hầu hết các công ty tài chính khác ở Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu; một số cơ sở đã nộp đơn đề nghị dừng kinh doanh dịch vụ tài chính.
Hiện Công an TP. Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của các đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật./.
(theo Báo Thanh Hóa)