GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: MD)
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đồng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Điển hình như trong lĩnh vực lao động – việc làm thì thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực có quan hệ lao động tăng nhanh (43,80% năm 2018). Tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức thấp (dưới 3%/năm). Thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện…
Đáng chú ý, trong lĩnh vực người có công, từ năm 1994-2012, Nhà nước đã chín lần sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và gia đình của họ. Hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo thì kết quả nổi bật là tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đã tăng lên 26,55% năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong lực lượng lao động đã tăng lên 22,68% năm 2018…
Bên cạnh những thành tựu, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận một số hạn chế trong tổ chức thực hiện đường lối của Đảng về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhiều vấn đề mới đang đặt ra về lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Cụ thể, về ưu đãi người có công cần tiếp tục làm rõ nội hàm các khái niệm, hoàn thiện các tiêu chí xác định đối tượng để công nhận được hưởng chính sách ưu đãi. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Trong giáo dục nghề nghiệp, dưới sự tác động của CMCN 4.0, nhiều loại việc làm và hình thức việc làm mới ra đời, đòi hỏi người lao động cần được trang bị các kỹ năng mới, gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm. Không những vậy, nhu cầu về kỹ năng cũng sẽ thay đổi rất nhanh chóng.
Trong phát triển việc làm, CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều hình thức việc làm mới nhưng cũng làm giảm cầu sử dụng lao động ở một số ngành, nghề dẫn đến nguy cơ bị mất việc làm của một bộ phận người lao động đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện chính sách an sinh xã hội hướng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp.
Trong quan hệ lao động, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh, tham gia CPTPP và EVFTA sẽ dẫn tới sự ra đời của các tổ chức đại diện người lao động. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải xây dựng được cơ sở lý luận vững chắc, có các bước chuẩn bị toàn diện và cặn kẽ.
Trong khi đó, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội cần xây dựng chính sách theo tiếp cận dựa trên quyền; mở rộng diện bao phủ và tăng tính hấp dẫn; hoàn thiện cơ sở lý luận và cải cách thông số bảo hiểm xã hội về mức đóng, mức hưởng, thời gian đóng, công thức tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu, chi phí quản lý, đầu tư phát triển quỹ…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã thảo luận làm rõ thêm những vấn đề đặt ra trong các lĩnh vực như: giáo dục nghề nghiệp, xóa đói giảm nghèo, phát triển việc làm, bảo vệ chăm sóc trẻ em…
Kết luận buổi làm việc GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, sự chuẩn bị báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại buổi làm việc. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, những năm qua ngành lao động, thương binh và xã hội đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Bày tỏ đồng tình với những ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp lại những ý kiến phát biểu, đồng thời phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương để chuẩn bị các hội thảo mang tính chuyên đề sâu về vấn đề này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 14 lĩnh vực của ngành liên quan trực tiếp đến người dân, nếu làm đúng, thì góp phần vào ổn định, phát triển xã hội, nếu xảy ra sai sót dù nhỏ, thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống an sinh.
Theo Bộ trưởng, những năm qua, Bộ đã kiên trì, bám sát mục tiêu Cương lĩnh của Đảng, đồng thời quyết liệt tạo ra đột phá mới trong thực hiện chủ trương, chính sách mà ngành được phân công. “Nhìn tổng quát đến nay thì mục tiêu thiên niên kỷ và các mục tiêu lớn của Đại hội XII đã cơ bản đạt được. An sinh xã hội đã góp phần quan trọng vào ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển” – Bộ trưởng cho biết.
Nhấn mạnh cuộc làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương là dịp tốt để chính Bộ LĐ-TB&XH nhìn lại khách quan những công việc đã thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng. Mặt khác, Bộ cũng sẽ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương để tổ chức các hội thảo, cuộc trao đổi chuyên đề nhằm bổ sung nhận thức, quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách và giải quyết tốt hơn những vấn đề về lao động, người có công và xã hội trong giai đoạn mới./.
Kim Thanh