3.093 ý kiến của cử tri gửi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV 

(Chinhphu.vn) – Ngày 15/5, dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên hợp thứ 24.

Theo dự thảo Báo cáo, chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc (UBNTQH) đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri và nhân dân đều bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã quan tâm chăm lo Tết Nguyên đán cho nhân dân, nhất là đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai một cách chủ động, tích cực, góp phần thúc đẩy hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước.

Cử tri và nhân dân ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã quan tâm tiếp thu và giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Quốc hội, UBTVQH tiếp tục đổi mới trong công tác lập pháp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để kiểm soát nợ công, xử lý những vấn đề phức tạp, “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội; quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh tinh giản biên chế, sắp xếp, đổi mới bộ máy theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động; thực hiện rà soát công tác cán bộ, nâng cao tính công khai, minh bạch trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ.

Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước; một số nơi kỷ luật, kỷ cương hành chính bị buông lỏng.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp… gây nhiều lo lắng, bất an trong nhân dân.

Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, dự thảo Báo cáo cũng nêu một số kiến nghị.

Theo đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần sớm hoàn thành bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ cải cách hành chính; giảm chi phí trung gian, thực hiện công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận của nguời dân và doanh nghiệp.

Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản của Nhà nước; tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực thi trách nhiệm.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tập trung giải quyết một số vấn đề về phát triển văn hoá - xã hội, thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm; tiếp tục quan tâm bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất lao động, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.

Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo nêu trên, các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo; cho rằng dự thảo Báo cáo đã tổng hợp ý kiến cử tri tương đối toàn diện và đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đầy đủ, toàn diện hơn, nhất là trong việc đánh giá về công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ UBTVQH cơ bản tán thành với 6 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được tổng hợp trong báo cáo. Đây là những vấn đề lớn nổi lên trong đời sống xã hội thời gian qua, được nhân dân và cử tri quan tâm. UBTVQH đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục rà soát, để đánh giá kỹ thêm các nội dung, bảo đảm việc tổng hợp được bao quát, đầy đủ, đặc biệt là đối với những vấn đề mang tính thời sự, bức thiết đang nổi lên như vấn đề tinh giản bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào thiểu số, phòng chống biến đổi khí hậu,…

Nguyễn Hoàng

372 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 641
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 641
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88350904