Nhật Bản liên tục là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam - Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.215 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 41.654 người, Hàn Quốc 1.944 người, Trung Quốc 1.163 người, Hungary 1.002 người, Singapore 964 người, Romania 627 người...
Chỉ riêng trong tháng 8, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 12.000 người. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 6.076 người, Đài Loan (Trung Quốc) là 4.698 người, Hungary 200 người, Singapore 164 người, Hàn Quốc 145 người, Trung Quốc 139 người, Romania 90 người...
Những năm gần đây Nhật Bản liên tục là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam. Đây là thị trường thu nhập tốt, hấp dẫn đối với lao động Việt. Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai dự án "Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" nhằm hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm việc phù hợp tại nước ngoài theo đúng nhu cầu nguyện vọng; hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận đầy đủ thông tin việc làm trong nước thông qua tuyển dụng từ các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận tốt hơn với lao động có nhu cầu việc làm…
Không chỉ hợp tác với các bộ, ngành giữa hai quốc gia, hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH với Nhật Bản còn mở rộng xuống địa phương. Để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, Bộ LĐTB&XH đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh của nước bạn, như Chiba, Saitama, Gunma, Kanagawa, Nagano…
Trong năm 2023, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Bộ LĐTB&XH còn xúc tiến mở thêm thị trường mới.
Bộ LĐTB&XH đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ LĐTB&XH cũng đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.
Lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động
Thời gian qua, công tác quản lý xuất khẩu lao động cũng được chú trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) vừa công bố quyết định xử phạt đối với 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động vì vi phạm quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong 3 công ty bị xử phạt, Công ty cổ phần Cung ứng xuất khẩu lao động công thương Hà Nội bị xử phạt mức cao nhất với số tiền 112,5 triệu đồng, do chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc tại Nhật Bản khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ.
Trước đó, Bộ LĐTB&XH cũng đã thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với Công ty cổ phần Da giày Việt Nam. Công ty này bị thu hồi giấy phép do không bảo đảm điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử đáp ứng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong năm 2023, nhằm lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Bộ LĐTB&XH đã thanh tra, kiểm tra, xử phạt và đình chỉ hoạt động nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thu Cúc