27/7 - NGÀY ĐẶC BIỆT  

Vậy là đã 75 năm - ngày 27/7- ngày Thương binh, Liệt sĩ (trước đó có tên gọi ngày Thương binh toàn quốc) khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, một ngày đặc biệt có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc.

Nhà văn Nguyên Ngọc trong tuỳ bút “Đường chúng ta đi” đã thốt lên: "Không biết có nơi nào nữa trên trái đất quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không? Giá như chúng ta minh hoạ lịch sử dân tộc thì không có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu". Phải nhiều máu đến vậy, là bởi trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải bỏ ra khoảng 1/3 thời gian để cầm gươm, cầm súng và có khi cả "cuốc, thuổng, gậy, gộc" để tự vệ nhằm giữ yên bờ cõi giang sơn (1). Hơn 12 thế kỷ để lo chiến đấu, lo tự vệ... so với chiều dài lịch sử 4000 năm quả là một khoảng thời gian không ngắn, nếu không nói quá dài so với sức chịu đựng của một dân tộc "lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa".

Chủ tịch Phi đen Cat-Xtơrô trong một lần thăm Việt Nam đã nói: " Tôi đã đọc lịch sử, từ trước đến nay chưa từng có cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đây là vô song trên thế giới,  chưa từng có, trong lịch sử chưa từng thấy"(2) Lý giaỉ điều này, Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng, mà chính ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trong đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Trên dải đất hình chữ S thân thương này, mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều ghi đậm bao sự tích anh hùng, đều thắm máu đào của bao anh hùng, liệt sĩ, thương binh mà Quảng Trị- mảnh đất anh hùng, quả cảm là một trong những địa danh tiêu biểu nhất, điển hình nhất. Chỉ tính riêng, trong chiến dịch Xuân - Hè 1972 ở Quảng Trị, đế quốc Mỹ đã điên cuồng huy động một lực lượng quân sự mạnh nhất của chúng: với 193 máy bay chiến lược B52 (bằng 50% số máy bay loại này của nước Mỹ vào thời điểm đó), 1400 máy bay tiêm kích, cường kích ( bằng 40 % tổng số máy bay loại này của Mỹ hiện có) và những đơn vị bộ binh thiện chiến nhất, cả những đơn vị mang tên cọp biển và thiên thần mỹ đỏ. Trong 304 ngày (kể từ ngày 30-3-1972 mở màn chiến dịch), đến ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973) đã diễn ra cuộc đấu trí, đấu súng giữa ta và địch. Và, chỉ tính riêng 81 ngày đêm mùa hè máu lữa (từ 28-6 đến 16-9-1972) tại Thành Cổ Quảng Trị, trong vòng 4km2 chúng đã ném xuống 328.000 tấn bom có sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới thứ hai. Số quân Mỹ -ngụy ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất  gấp 3 lần số dân của tỉnh.Vậy mà, cuối cùng sự thất bại vẫn đè đầu kẻ cậy sức.

Và dĩ nhiên, trong cuộc chiến không cân sức ấy, sự mất mát hy sinh sẽ là điều không tránh khỏi. Trong hai cuộc trường chinh vĩ đại chống kẻ thù, Quảng Trị đã chịu nhiều đau thương mất mát. Toàn tỉnh hiện có gần 19.000 liệt sĩ và hơn 10.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Cứ 10 người dân thì có 1 liệt sĩ, cứ 6 người dân thì có một người bị địch bắt, đánh đập tra tấn. Toàn tỉnh hiện có 72 Nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó có hai Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia, hàng chục Đài Tưởng niệm với khoảng sáu vạn liệt sĩ là con em của mọi miền đất nước đang yên nghỉ trong lòng Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị. Chỉ vài con số đó thôi cũng đã nói lên một điều, đối với người dân Quảng Trị ngày 27/7 hàng năm là ngày, là tháng và năm có ý nghĩa đặc biệt.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành trong cả nước Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã làm những gì có thể để chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và các đối tượng chính sách. Với mục tiêu chăm lo ngày càng tốt hơn và đảm bảo tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, tỉnh Quảng Trị đã huy động nhiều nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình Liệt sĩ, người có công với cách mạng. Biểu hiện rõ nhất là phong trào "Chung tay tôn tạo nghĩa trang Liệt sĩ", quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng", thân nhân gia đình Liệt sĩ, thương binh nặng...được xã hội hưởng ứng nhiệt thành. Chúng ta cũng rất tự hào và khâm phục trong điều kiện còn hết sức khó khăn nhưng bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều đồng chí thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, trong học tập, công tác, không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình mình mà còn tiếp tục có những cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp và nêu gương sáng để mọi người học tập, noi theo.

Ngày kỷ niệm thiêng liêng lại về, cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước, mỗi người dân Quảng Trị, thắp nén hương lòng, tri ân đồng bào đồng chí mọi miền đã không tiếc sức người, sức của để Quảng Trị từ máu lữa, đạn bom hôm qua đã có ngày hôm nay- đổi thay và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.

Ngày kỷ niệm thiêng liêng lại về, mỗi người dân Quảng Trị luôn trọn vẹn, thủy chung với lời hứa “Cùng cả nước, vì cả nước”, Quảng Trị nguyện đóng góp xứng đáng sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý và quyết tâm:“Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm cho tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương” như quyết tâm của Đảng và tâm nguyện của toàn dân.

Ngày kỷ niệm linh thiêng nhắc nhở chúng ta tri ân những người hy sinh vì nước, không chỉ là đồng sức, đồng tâm, chung lưng đấu cật xây dựng tiềm lực kinh tế đất nước hùng mạnh mà còn đoàn kết một lòng kiên quyết đấu tranh để giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hải Lam

___________

(1) Giáo trình cơ sở Văn hoá Việt Nam (Đại học Huế )

(2) Dẫn theo Trung tướng Hồng Cư (Văn hoá Quân sự số 37 tháng 7-2008. 

243 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 708
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 708
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77241555