Chiều 22/10, Tổng thống nước chủ nhà Liên bang Nga Vladimir Putin đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (BRICS) lần thứ 16 tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.
Hội nghị năm nay có sự tham gia của khoảng 20.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, cùng lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Đây cũng là hội nghị đầu tiên của BRICS theo định dạng mở rộng gồm 9 nước, ngoài Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, còn có thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Với chủ đề chính là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng," sự chú ý của cộng đồng thế giới đang đổ dồn vào Kazan để dõi theo triển vọng tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và các nước khác trong bối cảnh một thế giới bị chia rẽ và thay đổi nhanh chóng do các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.
Các nhà lãnh đạo BRICS cũng thảo luận việc tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị mới với đặc trưng công bằng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ các nguyên tắc đa phương và tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.
Kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này chắc chắn sẽ củng cố vị thế của BRICS trên trường quốc tế và sẽ phát triển sự hợp tác giữa các nước tham gia trong nhiều lĩnh vực. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay còn có thể định hình những nguyên tắc cơ bản mới phát triển thế giới.
Ngoài ra trong ngày cuối cùng (24/10), hội nghị cũng sẽ xem xét cơ chế về “các nước đối tác” của BRICS để qua đó thiết lập mô hình hợp tác, hội nhập, giúp cho BRICS ngày càng có ảnh hưởng cũng như đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước tham dự.
Kể từ khi thành lập năm 2006, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành tập hợp các nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 4/2024, trong số các thành viên BRICS, Trung Quốc có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP) đứng đầu thế giới với quy mô 35.000 tỷ USD, Ấn Độ chiếm vị trí thứ 3 với GDP theo PPP là 14.600 tỷ USD và Liên bang Nga đứng thứ 4 với 6.450 tỷ USD.
BRICS đang chiếm tỷ trọng hơn 35% kinh tế toàn cầu cũng như sở hữu thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người và dự kiến đến năm 2030 sẽ chiếm 50% quy mô kinh tế toàn cầu.
Hiện 4 nước thành viên BRICS nằm trong Top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về sở hữu tài nguyên khoáng sản gồm Liên bang Nga đứng đầu thế giới với 75.000 tỷ USD, Iran đứng thứ 5 (27.300 tỷ USD), Trung Quốc - thứ 6 (23.000 tỷ USD), và Brazil - thứ 7 (21.800 tỷ USD).
Một số chuyên gia kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh BRICS, đọc theo tiếng Anh còn có nghĩa là “những viên gạch," sẽ đặt những “viên gạch vàng” cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới./.
Với việc mở rộng thành viên và dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng, BRICS đang dần trở thành tập hợp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển quy mô lớn nhất thế giới.