|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019.
Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật Ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong năm 2018?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn là năm “Đoàn kết, Kỷ cương, Đổi mới và Sáng tạo”. Toàn ngành đã nỗ lực rất lớn hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao phó. Đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đặc biệt, năm 2018 đã tạo ra một bước đột phá mới và rất quan trọng, tạo nền tảng cho năm 2019, đó là tạo lập và thiết lập thị trường lao động đồng bộ, tạo nền tảng về giáo dục nghề nghiệp, lần đầu tiên vượt 105% chỉ tiêu đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, trong năm 2018 nhiều giải pháp quyết liệt đã được triển khai để giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công, thanh tra, xử lý rất nghiêm minh trên 2.800 hồ sơ làm giả, khai không đúng sự thật.
Một điểm nhấn quan trọng của ngành là đã tham mưu trình Hội nghị lần thứ 7 khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Hội nghị lần thứ 7 khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bộ cũng đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 3 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, cụ thể: tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đạt 3,1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 58,6%, trong đó, tỷ lệ có bằng cấp chứng chỉ đạt 23-23,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với năm 2017 còn 5,35%, riêng các huyện nghèo giảm trên 5% còn dưới 35%, góp phần cùng cả nước hoàn thành 12/12 chỉ tiêu KT-XH năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công dịp Tết Nguyên đán 2019 được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền luôn hết sức quan tâm, chăm lo chu đáo đối với người có công, thân nhân người có công.
Ngày 28/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Các hoạt động chăm lo Tết cho người có công, gia đình thương binh-liệt sĩ, người vùng khó khăn, vùng xa, vùng sâu, vùng bị thiên tai dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi của cả nước năm nay với nhiều hoạt động rất đa dạng, thiết thực.
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chủ tịch nước quyết định dành 362 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quà Tết cho đối tượng người có công được các địa phương triển khai hoàn thành vào trước ngày 20 tháng Chạp (20 Tết), tới tận tay gia đình người có công cả nước….
Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trực tiếp và tháp tùng đoàn công tác Lãnh đạo Chính phủ, Đảng, Nhà nước đến các Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh tại các tỉnh, thành phố để thăm hỏi và tặng hàng nghìn phần quà Tết cho các thương bệnh binh đang điều dưỡng tại các Trung tâm.
Đặc biệt, trong công tác chăm lo Tết cho người nghèo năm nay, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã phối hợp triển khai “Chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”. Kinh phí thực hiện là 5 tỷ đồng, trích ra từ nguồn nhắn tin ủng hộ người nghèo qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 trong Tháng cao điểm ủng hộ người nghèo năm 2018 (17/10/2018-18/11/2018). Số tiền này đã được gửi tới 13 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên để mua áo ấm cho người già, trẻ em. Đồng thời cũng phân bổ 1,3 tỷ đồng để Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức việc hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ gia đình nghèo.
Với phương châm “Không để hộ gia đình chính sách nào, hộ nghèo nào không được đón Tết đầm ấm”, đối với các hộ nghèo thiếu lương thực, các đối tượng đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội, Bộ chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương đặc biệt quan tâm, thăm hỏi, cùng các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng cùng chung tay quan tâm, chăm lo để ai cũng có Tết, hộ nghèo không bị thiếu lương thực…
Tính đến ngày 28/1/2019, trên cơ sở rà soát các hộ thiếu lương thực, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 106/QĐ-TTg xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 với hơn 10.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc cho 16 địa phương, bao gồm Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Yên Bái, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Bình, Lai Châu, Hà Giang, Phú Yên, Gia Lai, Lạng Sơn, Kon Tum, Đắk Lắk và Thanh Hóa.
Năm 2018, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ LĐ-TB&XH đã có bước tiến đáng kể, vươn lên đứng thứ 12/19 bộ, ngành. Vậy năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2019, Bộ tiếp tục coi việc cải cách hành chính (CCHC) và ứng dụng CNTT là một trong những trọng tâm. Sẽ triển khai đồng bộ 6 nhóm nội dung trong CCHC, trong đó chọn ra 2 vấn đề lớn là: tập trung xây dựng thể chế làm sao để thông thoáng nhất, giúp người dân tiếp cận những công việc của ngành một cách tiện ích nhất, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá. Bên cạnh đó, tiếp cục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh để tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 60 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 56,07%, đồng thời bãi bỏ, đơn giản hóa 94 TTHC, là một trong 5 Bộ, ngành được Chính phủ đánh giá đã thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm vượt chỉ tiêu 50% Chính phủ đã đề ra.
Một mục tiêu được Bộ chú trọng thực hiện trong năm 2019 là tiếp tục đổi mới, kiên quyết sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ
Năm 2018 tiếp tục là năm lập kỷ lục về số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt, thị trường Châu Âu cũng đang dần “mở cửa” với lao động Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết những cơ hội và thách thức của hoạt động xuất khẩu lao động trong năm 2019?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việc đưa tới hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài là kết quả rất đáng khích lệ năm trong 2018, quan trọng là chất lượng lao động, chất lượng thị trường đã có chuyển biến rõ rệt. Trước đây, chúng ta chạy theo thị trường còn hiện nay chúng ta có quyền lựa chọn thị trường, ưu tiên các ngành nghề về khoa học công nghệ để sau khi làm việc tại nước ngoài có thể trở về đóng góp cho đất nước.
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục ổn định và phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, chú trọng các thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ đã chủ động đột phá nhằm phát triển hơn các thị trường “khó tính” như châu Âu, đã tổ chức đoàn đàm phán và ký hiệp định hợp tác lao động với Bulgaria và Romania.
Đặc biệt, luôn chú trọng công tác tạo nguồn, nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh truyền thông, cung cấp đầy đủ thông tin, tổ chức tư vấn tại địa phương để người lao động có đủ thông tin khi tham gia xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào những thách thức cần khắc phục trong năm 2019, như do hạn chế về ngoại ngữ và ý thức chấp hành kỷ luật lao động, luật pháp nước sở tại nên ở một số thị trường có phát sinh lao động vi phạm kỷ luật, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp, kể cả những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Bên cạnh đó, số lượng cán bộ quản lý lao động ở nước ngoài còn ít dẫn đến hạn chế trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đặc biệt, là việc đa phần các nước sở tại không cho thành lập đại diện của doanh nghiệp phái cử để quản lý lao động khi làm việc ở nước ngoài là một thách thức lớn trong công tác quản lý lao động.
Thưa Bộ trưởng, để thực hiện những mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai như thế nào trong năm 2019?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nghị quyết 28-NQ/TW là một nghị quyết rất quan trọng, tạo một bước đột phá lớn về an sinh tại Việt Nam vì suy đến cùng an sinh là một chủ trường nhất quán của Đảng, Nhà nước. BHXH cùng với BHYT là hai trụ cột chính của an sinh, mục tiêu tiến tới mọi người đều phải được thực hiện quyền an sinh, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân, cả lao động khu vực chính thức và phi chính thức về già đều có BHXH, BHYT.
Năm 2019, chúng tôi đặt ra mục tiêu thu hút thêm 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện, nếu đạt được chỉ tiêu này có nghĩa là năm 2019 bằng cả 14 năm trước đó. Chúng tôi tin với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cùng với việc giao chỉ tiêu cụ thể cho HĐND, UBND các địa phương, cùng với đó là các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ BHXH, sẽ tạo được đột phá mới trong năm 2019.
Một giải pháp được chú trọng trong thời gian tới là tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH của người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội; nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Thưa Bộ trưởng, năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ lựa chọn lĩnh vực nào làm khâu trọng tâm đột phá?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2019 được Bộ xác định là một năm phát triển toàn diện và bứt phá ở các lĩnh vực trọng điểm.
Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó hoàn thành Chiến lược an sinh xã hội cho 10 năm tới với tư duy đột phá và hướng tới một xã hội mọi người đều hưởng được quyền an sinh; tập trung cao độ cho việc sửa đổi và trình Bộ luật Lao động sửa đổi với những nội dung đã trình xin ý kiến Chính phủ; trình sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trình sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Thứ hai, tiếp tục đột phá mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển động thực sự trong thị trường lao động, tạo nên thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh ở 3 khía cạnh: tạo việc làm mới sẽ phấn đấu cao hơn mức năm 2018 đạt 1,65 triệu người; tạo sự dịch chuyển lớn lao động từ phi chính thức sang chính thức với tỷ lệ phải cao hơn trong năm 2018; giảm được tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp xuống thấp hơn nữa.
Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, với cách làm mới, phấn đấu để đạt mục tiêu tổng quát là: số người học, đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề phải tăng lên; ra trường phải có việc làm, có thu nhập và ứng dụng, tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Do đó, cung và cầu phải kết nối rất hợp lý, phải dự báo được ngành nghề thích hợp nào xã hội đang cần.
Thứ tư, quan tâm tới một số vấn đề xã hội bức xúc, nhất là lĩnh vực bảo vệ, chống xâm hại trẻ em, quản lý các cơ sở cai nghiện. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Thu Cúc
(thực hiện)